Giá trị tài sản ròng là gì? Phân loại và cách tính chính xác nhất

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Friday 19/05/2023 - 2141 lượt xem.

Giá trị tài sản ròng là được sử dụng để đánh giá tình trạng tài chính cũng như năng lực quản lý tài sản của cá nhân, tổ chức. Thông qua đó, bạn sẽ thiết lập được những chiến lược đầu tư đúng đắn nhằm gia tăng tài sản hiện có một cách hợp lý. Cùng Webketoan tìm hiểu cụ thể hơn về thuật ngữ giá trị tài sản ròng là gì? Phân loại cũng như cách tính chính xác thông qua bài viết dưới đây nhé!

Giá trị tài sản ròng là gì?

Giá trị tài sản ròng

Giá trị tài sản ròng (Net Worth) là giá trị của tất cả tài sản (tài chính hoặc phi tài chính) của một cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ sau khi đã trừ đi các khoản vay nợ chưa được thanh toán.

Giá trị tài sản ròng là yếu tố giúp phản ánh thực trạng tài chính của một cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ tại một thời điểm và có thể âm hoặc dương.

Các loại tài sản ròng trên thị trường

Giá trị tài sản ròng của Chính phủ

Đối với chính phủ, giá trị tài sản ròng, bao gồm tất cả tài sản sau khi trừ đi các khoản nợ chưa thanh toán trong bảng cân đối kế toán, sẽ thể hiện sức mạnh tài chính và tiềm lực kinh tế của quốc gia.

Nếu Net Worth dương, tình hình kinh tế trong nước đang ở mức ổn định.

Nếu Net Worth âm, chính phủ cần tiến hành triển khai các biện pháp cải thiện như giảm mức chi tiêu của ngân sách nhà nước nhằm tránh phá vỡ sự bền vững tài khóa.

Giá trị tài sản ròng của Doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, giá trị tài sản ròng, bao gồm tất cả những tài sản doanh nghiệp đang sở hữu sau khi trừ đi số nợ phải trả, sẽ thể hiện tình hình tài chính của công ty có khả quan hay không.

Nếu Net Worth dương, doanh nghiệp đang có tình trạng tài chính ổn định.

Nếu Net Worth âm thì đây sẽ là dấu hiệu về khả năng xuất hiện những khó khăn, thách thức có thể dẫn doanh nghiệp đến tình trạng “âm vào vốn chủ”.

Giá trị tài sản ròng của cá nhân

Đối với cá nhân, giá trị tài sản ròng sẽ bao gồm tất cả tài sản sở hữu đứng tên cá nhân đó sau khi tiến hành trừ đi các khoản nợ chưa được thanh toán.

Tài sản ròng của cá nhân có thể là tiền mặt, các khoản tiền được đầu tư, tiền gửi ngân hàng, nhà đất, xe cộ,… Các tài sản không mang tính hữu hình như bằng cấp hoặc chứng chỉ sẽ không được tính vào tài sản ròng của cá nhân cho dù chúng có đóng góp đáng kể vào quá trình tích lũy tài sản.

Giá trị tài sản ròng của một cá nhân vẫn có thể bằng âm dù sở hữu nhiều tài sản giá trị như ô tô tiền tỷ, bất động sản cao cấp vì phần lớn các tài sản này có được thông qua việc vay ngân hàng và khoản thu lợi nhuận từ việc kinh doanh không đủ để chi trả chi phí lãi vay.

Ý nghĩa của giá trị tài sản ròng đối với doanh nghiệp

Ngày nay, việc tham gia đầu tư tài chính, chứng khoán ngày càng phổ biến. Vì vậy, những kiến thức liên quan đến báo cáo tài chính là cực kỳ quan trọng với nhà đầu tư. Thông qua đó, nhà đầu tư có thể đánh giá được tình hình, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Và tất nhiên, chỉ số Net Worth cũng không ngoại lệ. Vậy chỉ số này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp?

  • Chỉ số Net Worth giúp nhà đầu tư đánh giá giá trị tài sản thực có của doanh nghiệp. Từ đó, ta có thể thấy được được khả năng tài chính cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. 
  • Dựa vào thay đổi Net Worth các định kỳ, bạn sẽ biết được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sự tăng giảm số liệu này phản ánh được doanh nghiệp kinh doanh có lãi hay thua lỗ. Nếu khoản lỗ lớn hơn Net Worth, nhà đầu tư và cổ đông sẽ phải chịu lỗ. 
  • Giá trị tài sản ròng giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác về lợi nhuận và vay nợ. Qua đó, bạn sẽ có định hướng tốt hơn trong việc sử dụng tài sản và đánh giá tình hình chung của công ty. 
  • Ngoài ra, thông qua chỉ số này, doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động vay vốn tín dụng. Những khoản vay này sẽ được triển khai dựa trên đánh giá chính xác về tài sản sở hữu. 

Cách tính giá trị tài sản ròng

Qua ba phân loại tài sản ròng trên thị trường, ta có thể rút ra được cách tính giá trị tài sản ròng như sau:

Tổng tài sản – Tổng các khoản nợ phải trả = Giá trị tài sản ròng

Trong đó:

  • Tổng tài sản: Là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân như tiền và tương đương tiền, cơ sở vật chất, khoản đầu tư,…
  • Tổng các khoản nợ phải trả: Là toàn bộ các khoản nợ chưa được thanh toán như vay tín dụng, thuế doanh nghiệp,…

Có thể nói một cách đơn giản, đây chính là con số cụ thể được tính toán một cách chính xác để theo dõi sát sao tình hình tài chính của cá nhân hoặc tổ chức. Thông qua chỉ số này, bạn sẽ có thể lên kế hoạch nhằm giúp cân bằng các khoản thu chi một cách hợp lý, tránh việc thất thoát tài sản ngoài ý muốn.

Trên đây là những thông tin liên quan đến giá trị tài sản ròng – công cụ đánh giá tổng tài sản hiện có chính xác nhất. Bên cạnh đó, đây cũng là chỉ số phản ánh khả năng quản lý tài chính để doanh nghiệp/cá nhân nhận thức kịp thời được những lỗ hổng trong hoạt động quản lý tài sản. Đừng quên truy cập Webketoan để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác nhé!

Nguồn tham khảo: investopedia.com, DNSE

Cùng tìm hiểu thêm các bài viết khác về Kế toán quản trị tại webketoan.vn