Đó là nguyện vọng của rất nhiều doanh nghiệp (DN) khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành.
DN đang rất cần được giảm thuế để có thể hồi phục – Ảnh: Anh Vũ
Doanh nghiệp thua lỗ, tiền đâu giãn thuế
Một trong những giải pháp quan trọng vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 02 là giải pháp tài chính, trong đó tập trung vào 2 sắc thuế chính: GTGT và thu nhập doanh nghiệp (DN). Gói hỗ trợ lần này có điểm khác biệt so với gói 29.000 tỉ đồng trong năm 2012 như mở rộng thêm một số ngành được ưu đãi gồm sắt thép, xây dựng, công nghệ cao. Đặc biệt, các DN kinh doanh nhà ở xã hội, DN đầu tư nhà giá rẻ được giãn thuế GTGT của tháng 1, 2, 3 trong năm 2013 thêm 6 tháng. Riêng DN kinh doanh nhà ở xã hội có cơ hội được giảm 50% thuế GTGT đầu ra, bán nhà có diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 được giảm 30% thuế GTGT nếu Quốc hội đồng ý vào kỳ họp tháng 5 tới. Chính phủ cũng giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, 2014 nếu số tiền thuê tăng quá 2 lần so với thời điểm 2010.
Tổng thể gói giải pháp tài chính này, theo đánh giá của Bộ Tài chính, sẽ “bơm” thêm khoảng 34.000 tỉ đồng giúp DN vượt cạn. Tuy nhiên, tâm trạng của các DN khi nhận được thông tin này – cũng tương tự như năm 2012, khi gói hỗ trợ thuế 29.000 tỉ đồng được công bố – là không phấn khởi, mặn mà. Các chuyên gia thì băn khoăn về tính khả thi của nó.
Đã không dưới một lần bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Á bày tỏ sự thất vọng đối với gói “động viên tinh thần” về thuế của Bộ Tài chính. Lần này bà vẫn trong tâm trạng đó: “Tôi chưa thấy DN được hỗ trợ gì về thuế cả, thậm chí gánh nặng đang đè lên vai khi nhiều DN còn bị cưỡng chế thuế, không có tiền nộp bảo hiểm thì bị đưa ra tòa. Còn tiền thuê đất tăng lên gấp 10 lần, đó là chưa kể phải nộp thêm thuế đất phi nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và thương mại quốc tế CDC, một DN vừa và nhỏ hoạt động tại Hà Nội – cũng không “cảm nhận” được sự tiếp sức từ các chính sách thuế. Bởi cả năm 2012 và cho đến thời điểm hiện tại, DN của ông không có doanh thu, lỗ, vì vậy không có cơ hội được giãn thuế.
34.000 tỉ đồng: Chỉ là “đếm cua trong lỗ”
Gói chính sách thuế 34.000 tỉ đồng theo tính toán của Bộ Tài chính đang tỏ ra thiếu hiệu quả khi không đánh trúng vào những khó khăn thực tế của DN. Một con số thống kê từ ngành thuế sẽ khiến nhiều người phải giật mình: Có thời điểm trong tổng số 547.000 DN hoạt động cả nước có đến 62.000 DN đóng cửa, 110.000 DN không có doanh thu, 68% DN kê khai lỗ thuế thu nhập DN, 63% doanh nghiệp kê khai thuế GTGT bị âm. Riêng trong năm 2012, số kê khai lỗ của DN cũng đã lên tới gần 150.000 tỉ đồng. Đó mới chỉ là con số của năm 2012, nếu tính lỗ lũy kế của những năm trước dồn lên thì con số còn lớn hơn.
Thực tế này đã chỉ rõ về mặt bản chất, gói cứu trợ thuế đang lệch pha đối với DN. Hơn nữa, con số 34.000 tỉ đồng theo các chuyên gia cũng chỉ là “đếm cua trong lỗ”, khi thực tế theo tính toán của Bộ Tài chính, nguồn ngân sách trung ương chỉ giảm thu có 5.000 tỉ đồng thì khó có thể hỗ trợ hàng trăm nghìn DN đang trong cơn hoạn nạn.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Rất thẳng thắn, bà Nguyễn Thị Loan cho biết, đối với DN của bà, việc giãn thuế là vô tác dụng. Bà đề xuất: “DN đang khó khăn, nếu Chính phủ thực sự muốn giúp DN theo tôi trước hết là giảm ngay tiền sử dụng đất, rồi thuế đất phi nông nghiệp. Thứ hai, giảm ít nhất 50% thuế GTGT cho mọi mặt hàng”.
“DN hay người dân nào cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế nhưng thu thuế, phí quá cao lên tới 30% GDP, trong khi các nước chỉ có 20% GDP thì cần phải xem lại. Cái chúng tôi cần là miễn, giảm chứ còn giãn thì sau đó cũng phải nộp. Đặc biệt, với các mặt hàng nông, lâm thủy sản cần giảm phí cầu đường khi vận chuyển, rồi thuế thu nhập DN cần sớm hạ xuống chứ để 25% thì thực sự không ai chịu được cả” – lãnh đạo một DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói.
TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa – cũng cho rằng Chính phủ nên xem xét một cách nghiêm túc việc giảm, miễn thuế để hỗ trợ DN thay vì chỉ giãn thuế. Thẩm quyền thuộc Quốc hội quyết định, nhưng là cơ quan trực tiếp điều hành, đặc biệt các bộ tham mưu cần phải khảo sát từ thực tiễn hoạt động của DN, thống kê cụ thể có bao nhiêu DN ngừng hoạt động, bao nhiêu giải thể, phá sản, bao nhiêu không có doanh thu, lợi nhuận, bao nhiêu DN lỗ lũy kế liên tiếp trong nhiều năm. Tất cả những số liệu đó Quốc hội phải được biết để đưa ra được quyết sách đúng, trúng đối tượng.
TS Lê Đình Ân (nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội) cũng đề nghị, nhà nước đừng vì sợ thất thu ngân sách mà quên đi rằng DN chính là nguồn thu lớn nhất đóng vào ngân sách. Vì vậy, phải chấp nhận có những hy sinh trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu, giảm phí, miễn thuế. “Cần phải có đánh giá cụ thể về tác động của chính sách thuế, lần nào cũng hô hào, động viên như thế này thì càng làm DN mất niềm tin. Phải hỗ trợ thật thì DN mới vực dậy được lòng tin từ phía DN, khi đó mới mong vực dậy được nền kinh tế”, TS Ân nói.
Anh Vũ
Theo báo TN Online