Gian lận kế toán và Corporate Governance

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 10/08/2015 - 8359 lượt xem.

Kiểm toán với vai trò phát hiện gian lận kế toán: các tình huống thực tiễn.

Trong giai đoạn trì trệ của nền kinh tế, hàng loạt các gian lận kế toán được phanh phui. Dấu hiệu cho thấy khi doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, công chúng sẽ chú ý nhiều hơn đến tính minh bạch của các thông tin trong báo cáo tài chính. Tại Việt Nam, giai đoạn bùng nổ kinh tế trong những năm 2005 – 2007 không có bất kỳ sự kiện quan trọng nào liên quan đến gian lận kế toán, mọi hình ảnh trong toàn bộ nền kinh tế dường như trở lên hoàn hảo. Kể từ năm 2008 khi khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, chúng ta có thể quan sát thấy hàng loạt các vấn đề trong công bố thông tin kế toán, sử dụng những thủ thuật kế toán để làm đẹp báo cáo tài chính, hay sự chênh lệch giữa số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán là rất lớn trên thị trường Việt Nam.

Trên thế giới, vụ phá sản của Enron và sụp đổ của hãng kiểm toán toàn cầu Arthur Andersen vào năm 2002 là sự kiện gian lận kế toán kinh điển đã đi vào sách giáo khoa. Sau sự kiện Enron, cơ chế quản trị công ty đại chúng (corporate governance) gần như thay đổi hoàn toàn với sự ra đời của đạo luật Sarbanes Oxley ở Mỹ tăng cường vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán trong giám sát báo cáo tài chính các công ty đại chúng. Tầm ảnh hưởng của Sarbanes Oxley không chỉ ở Mỹ mà còn lan rộng ra toàn thế giới, cơ chế quản trị công ty được cập nhật và thay đổi liên tục nhằm giám sát hoạt động của bộ máy điều hành công ty tốt hơn, nhằm bảo vệ tốt nhất cho các cổ đông.

Cơ chế quản trị hiện đại áp dụng phổ biến mô hình Ba tuyến phỏng thủ (Three Lines of Defense) giúp doanh nghiệp giảm thiểu mọi rủi ro nhằm đạt được mục tiêu chiến lược. Tuyến phòng thủ thứ nhất là hệ thống kiểm soát quản lý (Management Control) do ban điều hành thiết lập trong từng hoạt động của doanh nghiệp nhằm trợ giúp cho ban điều hành kiểm soát doanh nghiệp đi đúng hướng. Tuyến phòng thủ thứ hai nhắm đến vai trò quản trị rủi ro và thanh tra chuyên trách. Và cuối cùng, kiểm toán nội bộ đóng vai trò giám sát hoạt động của toàn hệ thống như là tuyến phòng thủ cuối cùng nhằm đưa ra những khiếm khuyết và khuyến nghị sửa chữa đối với hệ thống nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vai trò kiểm toán nội bộ

Trong những năm gần đây, nước Nhật xảy ra hàng loạt các vụ gian lận kế toán tại các hãng như Olympus, Kanebo hay gần đây nhất là vụ ban điều hành Toshiba đã thổi phồng lợi nhuận ảo lên đến 1,2 tỷ Đô la Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những scandals này là do sự yếu kém trong cơ chế quản trị của các công ty Nhật Bản nơi mà văn hoá “làm việc suốt đời” luôn được coi trọng. Với văn hoá này những thành viên ban điều hành có thể yên tâm với sự an toàn trong công việc của mình cho dù hiệu quả hoạt động là yếu kém, là nguyên nhân dẫn tới những hành vi gian lận kế toán sau này. Sự kiện Toshiba đang tạo làn sóng yêu cầu cải cách trong quản trị công ty tại Nhật.

Nhìn vào sự kiện chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) bị bắt vừa qua ta có thể quan sát thấy nhiều công ty đại chúng tại Việt Nam vẫn có thiên hướng hoạt động phụ thuộc và do nhóm cá nhân hay gia đình kiểm soát. Mặc dù JVC có sự tham gia của nhiều cổ đông nước ngoài, cổ đông tổ chức nhưng dường như mức độ kiểm soát và quản trị công ty còn hạn chế.

Sự kiện số dư tiền mặt tại quỹ lên đến hơn 400 tỷ được phản ánh trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của JVC cho thấy sự yếu kém của hệ thống kiểm soát. Lưu giữ một lượng lớn tiền mặt như vậy là rất rủi ro và đòi hỏi phải có sự kiểm soát và bảo vệ chặt chẽ về mặt hiện vật của tiền. Và trong nguyên tắc quản lý tài chính thì không một công ty nào lại làm động tác rút một lượng tiền mặt rất lớn như vậy từ ngân hàng về nhập quỹ khi các hoạt động thanh toán đều có thể thực hiện qua hệ thống ngân hàng với mức độ an toàn và minh bạch cao hơn rất nhiều. Điều này còn cho thấy mức độ giám sát yếu kém của cổ đông đối với ban điều hành. Vai trò của một bộ phận kiểm toán nội bộ như là tuyến phòng thủ cuối cùng nhằm bảo vệ giá trị của công ty, của cổ đông không được thực hiện.

Vai trò kiểm toán độc lập

Bên cạnh đó, với vai trò bên thứ ba độc lập bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, kiểm toán độc lập đã đưa ý kiến trung thực và hợp lý đối với báo cáo tài chính của JVC. Trong thực tế, kiểm toán độc lập có thể thực hiện kiểm đếm tiền mặt thực tế tồn quỹ tại thời điểm kết thúc năm tài chính nhằm đảm bảo tính có thật của số dư tiền mặt tồn quỹ. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất, việc kiểm đếm chỉ giúp kiểm toán độc lập thấy được một lượng tiền tồn tại trong quỹ mà không đảm bảo được số tiền đó có thuộc sở hữu của đơn vị hay không. Do vậy, trong trường hợp của JVC, số dư tiền mặt tồn quỹ quá lớn mà kiểm toán độc lập không có bất kỳ động thái tự bảo vệ nhằm giảm rủi ro kiểm toán cũng như cảnh báo người sử dụng báo cáo tài chính là chưa hợp lý. Điều này dẫn tới chất lượng của báo cáo tài chính được kiểm toán là thấp.

Ngoài ra, việc JVC “cố tình” bỏ qua việc thuyết minh chi tiết các thông tin trọng yếu như khoản phải thu khách hàng càng cho thấy vai trò của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập vẫn chưa thực sự phát huy. Cổ đông và người sử dụng báo cáo tài chính của JVC có vẻ như đang rơi vào “ma trận” thông tin nên không thể đánh giá được chất lượng thông tin số dư tiền mặt tồn quỹ, chất lượng các khoản phải thu khách hàng với tổng giá trị lên đến hơn 1000 tỷ đồng. Mà đây là hai khoản tài sản, theo nguyên tắc, có tính thanh khoản cao của công ty.

Thiếu kỹ năng phát hiện gian lận 

Kinh nghiệm của một người hành nghề kiểm toán nhiều năm cho thấy, các kiểm toán viên (bao gồm cả nội bộ và độc lập) chưa được trang bị các kỹ năng phát hiện gian lận kế toán dẫn tới vai trò của họ trong đảm bảo tính minh bạch của thông tin báo cáo tài chính bị sụt giảm. Trong thực tế, việc phát hiện gian lận kế toán là điều khó khăn đối với bất kỳ kiểm toán viên nào. Kiểm toán viên cần được trang bị kiến thức toàn diện về kế toán, quản trị tài chính, chiến lược hoạt động, quản trị công ty, để có thể hiểu được nguyên nhân và động cơ dẫn đến các gian lận kế toán. Từ đó, kiểm toán viên phát hiện ra các dấu hiệu cần chú ý khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hoặc đánh giá hệ thống kiểm soát của công ty. Nhưng thực tế cho thấy công việc của kiểm toán viên độc lập dường như hướng nhiều vào công tác xử lý kế toán thay vì đánh giá toàn diện và chỉ ra những rủi ro chính yếu cần tập trung.

Người viết đã xây dựng một chương trình nhằm trang bị cho các kiểm toán viên kỹ năng phát hiện gian lận kế toán dựa trên các tình huống thực tế tại Việt Nam và quốc tế. Chương trình đào tạo Phương pháp phát hiện gian lận sẽ cung cấp cho học viên sự am hiểu về gian lận kế toán, về các kỹ thuật “Quản trị lợi nhuận” (Earnings Management) hay còn gọi là “Kế toán sáng tạo” (Creative Accounting), để biết được liệu Ban Giám đốc doanh nghiệp có những biện pháp “phù phép” báo cáo tài chính hay không, thông qua “soi” hàng loạt báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thật về:

  • Nguyên nhân nào dẫn đến BGĐ phải bóp méo số liệu BCTC? Bao gồm nguyên nhân khách quan, nguyên nhân nội tại và quan trọng là động cơ và lợi ích của việc “xào nấu” số liệu.
  • Dấu hiệu trên báo cáo tài chính của việc “phù phép” này là gì?
  • Lợi nhuận bị bóp méo theo xu hướng nào?
  • BGĐ áp dụng những phương pháp hay cách thức bóp méo số liệu BCTC như thế nào?
  • Thời điểm nào BGĐ áp dụng các phương pháp này?

 

Chương trình Kiểm toán viên Chuyên nghiệp – PA 10 “Các kỹ thuật phát hiện gian lận kế toán”

http://www.afa.edu.vn/course/pa10/

 

Phan Lê Thành Long