Giới hạn nào cho đầu tư mở rộng?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 23/01/2013 - 4227 lượt xem.

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được lấy ý kiến đóng góp. Một trong những nội dung được quan tâm là quy định chính sách thuế cho đầu tư mở rộng. Theo tôi, cần có đánh giá đúng hơn về hiệu quả của nhà đầu tư khi thực hiện dự án nhằm tạo sự bình đẳng, công bằng cho các DN.

Thứ nhất. Về phạm vi, dự thảo quy định áp dụng đối với đầu tư mở rộng hoạt động lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng cho lĩnh vực khuyến khích đầu tư (khoản 7, điều 1).

Thời gian miễn thuế, giảm thuế do đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

Tinh thần dự thảo chỉ áp dụng đối với dự án trong cùng lĩnh vực nay được mở rộng. Do vậy, những trường hợp mở rộng đầu tư do bổ sung ngành nghề kinh doanh sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Khi đó để được hưởng ưu đãi, DN “buộc” phải thành lập DN mới để kinh doanh đối với lĩnh vực bổ sung có quy định khuyến khích đầu tư .

Có thể hiểu rằng DN vẫn được hưởng ưu đãi “đầu tư mở rộng” ngoài ngành nếu kết hợp hình thức đầu tư thay vì cùng một DN kinh doanh đa ngành nghề phải “chia nhỏ” DN ra để phân bổ hoạt động đầu tư.

Thực tế không ít DN đầu tư mở rộng ngoài ngành nghề chính nhưng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản về đổi mới công nghệ, lắp đặt dây chuyền sản xuất mới (sử dụng công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư) cho từng dự án cụ thể theo ngành nghề đăng ký mới.

Về lý thuyết, đầu tư thành lập DN mới trong lĩnh vực, địa bàn ưu đãi có lợi thế hơn đầu tư mở rộng do được hưởng nhiều hình thức ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn giảm). Tuy nhiên nhà nước cũng không thể không quan tâm khuyến khích hoạt động tiết kiệm để tạo hiệu quả đầu tư.

Quan điểm Bộ Tài chính cho rằng: “Về mặt lợi ích kinh tế xã hội tổng thể thì ưu đãi đối với đầu tư mở rộng trong nhiều trường hợp sẽ hiệu quả hơn so với việc thành lập dự án mới (tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan như tiếp cận thị trường, quản lý…)”.

Vì vậy xét về mục đích, thực tế, điều kiện đầu tư của từng DN, thành lập mới DN không phải lúc nào cũng có lợi hơn so với đầu tư mở rộng do phát sinh thêm chi phí và thủ tục hành chính.

Ví dụ: DN sản xuất nhưng phát triển thêm lĩnh vực phụ trợ như trường đào tạo nội bộ kết hợp kinh doanh giáo dục (lĩnh vực được khuyến khích).

Trong trường hợp này, nếu phải thành lập ngay pháp nhân riêng để hoạt động thì không phù hợp với mong muốn của DN.

Trong thời gian đầu vì chưa đủ điều kiện (chưa biết hiệu quả đầu tư như thế nào, nhất là hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa …), DN có thể chấp nhận thiệt thòi ban đầu (vẫn được ưu đãi nhưng có thể hạn chế hơn. Phương án của dự thảo là không được ưu đãi đối với hình thức đầu tư mở rộng ngoài ngành…), để đổi lại sự thuận tiện về thủ tục và chi phí đầu tư (thu về một mối các các chức quản lý như: quản trị nhân sự, đầu tư xây dựng, …). Nếu làm ăn thuận lợi thì DN sẽ lập công ty riêng, được ưu đãi nhiều hơn.

Rõ ràng ưu đãi nhiều chưa phải là tốt. Ưu đãi hay không ưu đãi đôi khi nên trao cho DN quyết định.

Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng để DN lựa chọn phù hợp với nhu cầu kinh doanh của DN, trong đó có việc lựa chọn phạm vi ưu đãi về thuế (như trường hợp trên), không nên quy định co cụm vào một số điều kiện ưu đãi vừa rắc rối, vừa không dàn trãi phương án áp dụng cho DN.

Thứ hai. Để được hưởng ưu đãi đầu tư mở rộng, DN sẽ phải đáp ứng được tiêu chí quy mô vốn đầu tư hình thành tài sản.

Quy mô đầu tư càng lớn thì tác động, hiệu quả hoạt động của dự án sẽ có lợi cho nền kinh tế. Đây cũng là hướng sẽ được quy định nhằm góp phần phân loại dự án đủ tiêu chuẩn xét hưởng ưu đãi thuế.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư phân kỳ hoặc tập trung, nhìn vào con số tổng là rất hợp lý nhưng khi triển khai, các chỉ tiêu đầu tư có thể thay đổi do chủ quan, thậm chí lập dự án chỉ phục vụ mục đích chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác kiếm lời.

Ngược lại DN đầu tư nhỏ lẻ nhưng hoạt động gắn với các mục đích dân sinh rõ ràng, chú trọng bảo vệ môi trường hay đầu tư kết hợp với các hoạt động xã hội hóa.

Vấn đề là đầu tư lớn hay nhỏ cần nhìn vào khả năng đóng góp của dự án mang lại cho DN, nhà nước, xã hội. Phân loại dự án không đi liền các giải pháp quản lý đầu tư thì phân loại hay không phân loại đều có thể không đạt được mục đích quản lý như đề ra, thậm chí là cản trở.

Lấy ví dụ, quy định thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu do thực hiện đầu tư mở rộng thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư (khoản 7, Điều 1, Dự thảo).

Thực tế doanh thu của DN sau 3 năm hạch toán lời lỗ vẫn không có gì đảm bảo vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có ý kiến cho rằng 3,4, hay 5 năm chỉ là con số mang tính ước lệ, không phản ánh trung thực tình hình hoạt động của DN.

Do vậy để phòng tránh các dấu hiệu bất thường như DN kinh doanh nhiều năm nhưng vẫn không có lời, thậm chí đầu tư mở rộng liên tục nhưng luôn kêu lỗ như tình trạng đã xảy ra ở một số DN FDI mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua, nhà nước cần tăng cường các biện pháp đánh giá, nhìn nhận hiện tượng này dưới góc độ hiệu quả đầu tư, qua đó xây dựng các phương án cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Giải pháp trước mắt có thể là xem xét không cho phép DN đầu tư mở rộng khi có dự án mới tại từng địa phương, cụ thể như trường hợp Đà Nẵng kiến nghị áp dụng đối với Coca Cola.

Xa hơn có thể ghi nhận trong luật quy định kết hợp giữa thời gian tính hưởng ưu đãi thuế bên cạnh các chế tài xử lý, hủy bỏ biện pháp ưu đãi đối với phần đầu tư (mới, mở rộng), thậm chí là thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi giá trị ưu đãi đã áp dụng cho DN trước đó nếu phát hiện có hành vi trục lợi của DN.
Việc lồng ghép quy định này trong quy định hưởng ưu đãi là rất cần thiết nhằm đánh trực tiếp vào tâm lý thực thi của nhà đầu tư, đồng thời sẽ tránh được sự tùy tiện trong việc ban hành văn bản hướng dẫn quy định do thiếu các nguyên tắc pháp lý định hướng.

Thứ ba. Ở một số nước, đầu tư mở rộng được hiểu ở khái niệm ”tiêu chí” ưu đãi thay cho ”phạm vi” ưu đãi. Ưu đãi theo tiêu chí có nghĩa là phân loại trường hợp hưởng ưu đãi không phân biệt lĩnh vực đầu tư mà dựa trên lợi ích của việc đầu tư.

Ví dụ: Singapore cho phép DN được hưởng mức thuế suất thấp hơn 5% trong thời gian 10 năm đối với thu nhập từ đầu tư mở rộng, căn cứ vào tiêu chí: tạo ra giá trị gia tăng cao, mở rộng quy mô… Philippines có chính sách ưu đãi thuế trong thời gian 3 năm đối với dự án mở rộng và làm tăng sản lượng thực tế.

Dự thảo hiện hành đang áp dụng ưu đãi theo “phạm vi” lĩnh vực, địa bàn có quy định khuyến khích đầu tư kèm theo yêu cầu về đổi mới kỹ thuật, dây chuyền sản xuất mở rộng (trong cùng lĩnh vực), như vậy là rất hẹp.

Vốn đầu tư hình thành tài sản được hiểu là điều kiện ưu đãi (tiền kiểm), không có các quy định quan trọng về định lượng, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của dự án sau đầu tư để xét ưu đãi (hậu kiểm).

Nếu cơ chế như nước bạn được áp dụng thì vốn đầu tư bắt buộc phải tạo ra một giá trị ước tính được luật hoá (cơ sở xem xét).

Khi đó DN sẽ được hưởng lợi bằng các biện pháp hoàn thuế thu nhập của nhà nước thay cho qui trình kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào vốn chỉ dựa trên các số liệu, phân tích, báo cáo của các nhà đầu tư như hiện nay.

LS HUỲNH TRUNG HIẾU
 
Nguồn: doanhnhansaigon