Giữ ưu đãi thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 20/03/2013 - 11710 lượt xem.

Với lý do kinh tế còn nhiều khó khăn, Quốc hội đồng tình chưa bớt số nhóm hàng hóa được hưởng VAT 0% và 5%.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó có vấn đề thuế suất. Hiện VAT tại Việt Nam đang được áp dụng 3 mức 0%, 5% (với các mặt hàng ưu đãi) và phổ biến là 10%.

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng phê duyệt, trong những năm tới, các quy định liên quan đến dòng thuế này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm bớt các nhóm mặt hàng không chịu thuế và thuế suất ưu đãi, tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất vào năm 2020. Do đó, tại lần sửa đổi luật lần này, cơ quan soạn thạo dự kiến sẽ giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 0% và 5%.

Tuy nhiên, trong điều kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thời gian qua, để tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, trong phiên thảo luận sáng 18/3, các đại biểu Quốc hội nhất trí tạm thời chưa giảm số nhóm mặt hàng được hưởng thuế ưu đãi 0% và 5%, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ đầu vào trong lĩnh vực nông nghiệp, mặt hàng thiết yếu… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách – Phùng Quốc Hiển, cơ quan quản lý cần tiến hành rà soát, thu hẹp diện hưởng ưu đãi để từng bước hướng tới mục tiêu đề ra.

sx-0

Nhiều mặt hàng vẫn được hưởng mức VAT 0% đến 5%. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

 Trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cho biết cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị giảm mức thuế suất chung (10%) để hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dự thảo luật vẫn sẽ giữ nguyên mức thu này, bởi thuế suất VAT của Việt Nam hiện ở mức khá thấp. Bà thông tin, hiện 88/112 nước có thuế suất cao trên 12%, 24 nước khác có mức thuế suất phổ thông trên 10%. Hiện chỉ có Việt Nam và một nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia còn duy trì mức thuế VAT 10%.

Ngoài thuế suất, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng lần này cũng đề nghị sửa đổi nâng thời hạn tối đa được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào trong trường hợp sai sót từ 6 tháng lên 12 tháng kể từ tháng phát sinh hóa đơn để tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp.

Về ngưỡng doanh thu tính thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Chính phủ chưa lý giải rõ ràng về căn cứ để đưa ra mức ngưỡng doanh thu dự kiến 1 tỷ đồng một năm. Theo ông Hiển, với mức doanh thu 1 tỷ đồng thì tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn (chiếm khoảng 30%). “Như vậy, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế vì phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đều đã tiến tới bỏ phương pháp trực tiếp và áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ”, ông Hiển lý giải.

Dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Đa số ý kiến cũng tán thành nhưng theo ông Hiển, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được hoàn thuế nhằm góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở trong hoàn thuế, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến “chê” Dự luật sửa đổi của cơ quan soạn thảo vẫn chưa rõ ràng và có quá nhiều điều khoản “giao cho Chính phủ quy định” thay vì nêu rõ trong Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Dự thảo đặt vấn đề sửa 7 điều nhưng có tới 6 điều được giao “Chính phủ hướng dẫn”. Với tinh thần như vậy, ông Hiện cho rằng, sửa đổi Luật thì phải nên rõ ràng còn nếu cơ quan soạn thảo thực sự chuẩn bị chưa tốt thì cần phải tổng kết thực tiễn và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng các điểm nêu ra sửa đổi lần này đều rất quan trọng vì liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân cũng như ảnh hưởng nguồn thu của ngân sách. “Thế nhưng, các nội dung lại giao cho Chính phủ quy định vậy thì Quốc hội quyết định cái gì”, ông Lý đặt câu hỏi và cho rằng Bộ Tài chính nên phân tích thực tiễn kỹ hơn và hoàn thiện dự luật.

Đại diện Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu, cũng tán thành ý kiến này. Theo ông, chính sách về thuế rất nhạy cảm với xã hội nên các quy định phải rõ ràng, ổn định mới đưa vào luật. “Còn nếu tất cả cứ giao cho Chính phủ quy định thì không phù hợp”, ông Giàu nhận xét.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đón trước những vấn đề trong tương lai để hoàn thiện Luật, tránh việc phải sửa đổi, chỉnh lý nhiều lần.

Mục tiêu trong chiến lược của ngành thuế trước đây là tăng tỷ trọng thuế trực thu và giảm tỷ trọng thuế gián thu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hôi – Phùng Quốc Hiển – cho rằng – đây là hướng đúng đắn vì thuế trực thu đánh vào thu nhập nên rất công bằng còn thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng. “Tuy nhiên, gần đây tôi thấy xu thế ở cả nhiều nước là thuế trực thu lại giảm, thuế gián thu rục rịch tăng lên”, ông Hiển phát biểu tại phiên họp.

Theo dự kiến của Chính phủ, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng như vậy quá muộn và không tháo gỡ được ngay những khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng như các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình đưa Luật thực thi từ ngày 1/1/2014. “Quan điểm của Ủy ban là dứt khoát thời điểm thi hành từ 1/1/2014 để đồng bộ với Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng như năm tài khóa 2014”, ông Phùng Quốc Hiển cho biết.

Thanh Thanh Lan

Nguồn Vnexpress