Giúp trẻ em hiểu về Khủng hoảng kinh tế mà không gây hoảng sợ

Đăng bởi: Hân Trần - Thursday 08/06/2023 - 538 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

BÀI 16 : GIÚP TRẺ EM HIỂU VỀ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ MÀ KHÔNG GÂY HOẢNG SỢ

Gần đây, báo chí thế giới cũng như Việt Nam nhắc nhiều về khả suy thoái kinh tế hay thậm chí là khủng hoảng kinh tế. Trong câu chuyện của chúng ta trong gia đình hàng ngày, những câu chuyện như vật giá leo thang, tình hình kinh tế khó khăn, công việc của bố mẹ đang không tốt, nguồn thu nhập giảm nghiêm trọng, lãi vay ngân hàng đang cao quá trả không nổi… vô tình sẽ được những đứa trẻ trong gia đình chúng ta nghe được và ghi nhớ lại, và theo cách chúng ta không ngờ đến, gây ra sự lo lắng, căng thẳng cho con cái chúng ta vốn đã chịu nhiều áp lực trong học tập và trong cuộc sống hiện đại.

Khủng hoảng kinh tế

Sau đây là 05 ý tưởng có thể giúp chúng ta nói về khủng hoảng, nói về kinh tế khó khăn, nhưng không gây quá nhiều sự căng thẳng, lo lắng cho con cái chúng ta một cách không cần thiết.

Ý tưởng 1: Con cái chúng ta sẽ nhìn vào thái độ, câu nói của người lớn giống như…đang đọc một cuốn sách, có nghĩa là hiểu từng câu từng chữ theo nghĩa đen. Và nếu bạn thường hay nói “nhà hết tiền rồi”, “chắc sắp chết đói”, “kiểu này chắc đi ăn mày”… sẽ gây ra rất nhiều suy nghĩ tiêu cực trong đầu đứa trẻ, và chúng tin điều đó sắp xảy ra thật. Có một câu chuyện vui mà một ông anh của mình trên mạng xã hội chia sẻ là do ba mẹ hay nói “nhà mình nghèo nhất xóm” mà con ổng đến trường đăng ký danh sách hộ nghèo và được…học bổng =)). Do đó đừng nghĩ những câu nói cửa miệng, bông đùa của mình không gây tác dụng: nó sẽ làm cho con cái chúng ta bi quan, tiêu cực trong suy nghĩ mà chúng ta không lường trước được.

Ý tưởng 2: Khi trao đổi với con, hãy nhớ là nên “chia sẻ” chứ đừng “dạy dỗ”, đặc biệt không hù dọa bằng những từ tiêu cực có tính phóng đại. Hãy giải thích đơn giản nhất có thể, và đừng nhồi nhét quá nhiều từ chuyên môn. Nói một cách thực tế, đơn giản nhất những gì gia đình bạn có thể chịu ảnh hưởng trong thời buổi khó khăn: “Chắc là năm nay chúng ta sẽ không đi du lịch Châu Âu nữa mà đi…Vũng Tàu” =)))

Ý tưởng 3: Hỏi han trò chuyện với con, tìm hiểu xem con đang suy nghĩ gì, đang lo lắng gì. Có thể con bạn đang nghe những thông tin tiêu cực từ trường lớp, thông tin trên mạng… Hãy cố gắng trấn an con là mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, và những thứ tối thiểu hoặc rất quan trọng trong cuộc sống sẽ không mất đi.

Ý tưởng 4: Thay vì cấm đoán, dọa dẫm con cái về việc không được tiêu xài, hãy đưa ra một vài luật lệ cùng tiết kiệm trong gia đình. Có thể hỏi con một vài ý tưởng về tiết kiệm và đưa ra một vài quy tắc tiết kiệm cho cả gia đình thông qua ý tưởng đó, giúp con cái hiểu về tầm quan trọng của tiết kiệm và cho con cảm giác mình có thể giúp đỡ bố mẹ lúc khó khăn.

Ý tưởng 5: Giúp con bạn hiểu khủng hoảng có thể kiểm soát được. Cho dù nền kinh tế xấu đi và ảnh hưởng đến gia đình bạn, sẽ có những người khác còn khó khăn hơn. Nếu bạn kiếm ít tiền hơn, có thể bạn không phải bán nhà để trả nợ. Nếu bạn phải bán nhà, có thể sức khỏe của bạn vẫn còn tốt. Mọi thứ đều có thể tốt hơn và sẽ không có gì là “hồi kết”.

Ngay cả trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng ta cũng có thể dạy trẻ em về giá trị và tiền bạc.

Nguồn : Tạ Thanh Tùng – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT

Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )

Lạm phát lối sống – Webketoan – Tư vấn Kế toán online