Bất động sản hầu như không được nhắc đến do sự sụt giảm và mất thanh khoản kéo dài. Ngoại tệ mất "ngôi vua" vì lãi suất thấp (2%/năm) và chính sách giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (tăng không quá 3%/năm). 3 kênh được cân nhắc là vàng, chứng khoán và gửi tiết kiệm tiền đồng.
Trần huy động chỉ 9%/năm nhưng với quy định lãi suất trung – dài hạn được thỏa thuận, những người gửi tiền với thời hạn trên 12 tháng, hoàn toàn có thể đàm phán mức lãi suất lên tới 12%/năm. Đó là lý do, gửi tiết kiệm với thời hạn dài nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ phía những người có tiền mặt ở thời điểm hiện tại. Chọn kênh này và nếu lạm phát năm nay đi theo đúng dự báo là 7%, người gửi tiền dương được 5%/năm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác vừa sụt giảm vừa thiếu thanh khoản thì mức sinh lời này cũng khá hấp dẫn. Trên thực tế, gửi tiết kiệm đã giữ "ngôi vua" trong các kênh đầu tư mấy năm gần đây khi lãi suất luôn ở mức cao. Sở dĩ lúc này, gửi tiết kiệm bị đem ra "cân nhắc" là bởi những sai phạm, những sự cố xảy ra liên tục trong ngành NH khiến nhiều người gửi tiền hoang mang. Tuy nhiên, sự ổn định trở lại của hệ thống tài chính nói chung và Ngân hàngACB nói riêng đã khiến tâm lý của người gửi tiền được giải tỏa phần nào. Một số chuyên gia cũng cho rằng, gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để được thỏa thuận lãi suất cao là lựa chọn tối ưu cho những người thích sự an toàn.
Bị bỏ quên một thời gian dài do mất thanh khoản nhưng sự sụt giảm mạnh, liên tục trong những ngày gần đây đã đưa chứng khoán trở lại bản đồ xếp hạng các kênh đầu tư. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, khả năng chứng khoán quay đầu tăng trở lại sau 2 – 3 tháng nữa là rất lớn. Chỉ cần "lấy lại những gì đã mất" hiện nay thì cơ hội "làm bàn" sau vài tháng nữa có thể mang đến cho những người tham gia kênh đầu tư này giá trị cộng thêm đến 30 – 40%.
Nâng lên, đặt xuống nhiều nhất trong các kênh đầu tư là vàng. Tập quán giữ vàng; tăng nhiều, giảm ít; thanh khoản cao, biến động mạnh… là những yếu tố khiến vàng luôn xếp vị trí số 1 trong trong các kênh đầu tư. Nhưng vàng tại thời điểm này ẩn chứa quá nhiều rủi ro khiến không ít người "chùn" bước. Trên thực tế, vàng chỉ tăng khi giới đầu cơ vào cuộc. Giới đầu cơ thế giới đã "hun" giá vàng lên cao nhất trong 4 tháng trở về đây trong kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, xét về nguyên lý, khi kinh tế đình trệ, xu thế chung là bán vàng lấy tiền mặt để đầu tư, sản xuất. Nên nguy cơ giá vàng lao dốc là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó cũng mới chỉ là rủi ro từ phía thị trường thế giới. Tại thị trường trong nước, vàng đang bị áp lực bởi nhiều chính sách cũng như những biến động mang tính tâm lý. Việc gom vàng của một số NH để đảm bảo thanh khoản trong những ngày qua khiến giá vàng tăng đột biến, bỏ xa giá vàng thế giới từ 2 – 3 triệu đồng/lượng nên độ rủi ro càng cao. Đây là lý do rất nhiều người, cả những người giữ vàng theo thói quen cũng như giới đầu cơ, "ngán" vàng.
Không phải kênh đầu tư nhưng gửi tiết kiệm lại giữ ngôi đầu trong suốt một thời gian dài. Nghịch lý này đã phác họa một bức tranh không mấy sáng sủa. Đó là lãi suất cao, sự bế tắc trong lựa chọn kênh đầu tư và khó khăn của nền kinh tế sẽ vẫn còn kéo dài.
(Nguồn: http://dddn.com.vn)