Hỏi & Đáp Bảo hiểm xã hội – BHXH Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 09/08/2016 - 4505 lượt xem.

1. Có thể thanh toán BHYT tại cơ quan bảo hiểm?

Hỏi: Thẻ BHYT của tôi ghi nơi khám, chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Vừa qua, tôi điều trị bệnh tại đây nhưng không xuất trình thẻ BHYT nên không được hưởng quyền lợi. Tôi xin hỏi, tôi có được thanh toán lại chi phí chữa bệnh không? Nếu được thì cơ quan nào thanh toán?
Trả lời :
Căn cứ: Điều 14.15.16, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC
Theo đó: trường hợp không xuất trình thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh thì được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH.
Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp gồm có:
– Giấy ra viện;
– Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan; thẻ BHYT;
– Một trong các giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, bằng lái xe…
Đề nghị ông mang hồ sơ, chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn giải quyết.

2. Điều kiện để cha hưởng trợ cấp 1 lần khi sinh con?

Hỏi: Tôi xin hỏi, theo quy định mới, từ ngày 1/1/2016, trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH khi vợ sinh con thì được hưởng trợ cấp 1 lần bằng hai tháng lương cơ sở của tháng lương hiện tại, như vậy có đúng không? Nếu đúng thì tại sao địa phương tôi chưa thực hiện? Nếu có văn bản hướng dẫn thực hiện muộn thì tôi có được truy lĩnh không?
Trả lời:
Căn cứ:
– Điều 38, Luật BHXH
– Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
Theo đó: trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Đối chiếu quy định trên, nếu vợ ông sinh con từ ngày 1/1/2016 trở đi mà ông đủ điều kiện nêu trên thì ông nộp hồ sơ đầy đủ theo Điều 101 Luật BHXH gồm: Bản sao Giấy khai sinh hoặc Bản sao Giấy Chứng sinh của con cho đơn vị ông làm việc để chuyển cơ quan BHXH giải quyết chế độ thai sản đối với ông theo quy định.

Nếu ông có đủ các điều kiện này mà chưa được nhận trợ cấp thai sản thì ông đến cơ quan BHXH tại địa phương để được hướng dẫn và giải quyết theo quy định.

Xem thêm: Chế độ BHXH dành cho nam giới

3. Đi lao động tại nước ngoài đóng BHXH thế nào?

Hỏi: Tôi là lao động xuất khẩu tại Đài Loan. Trong thời gian tôi làm việc tại Đài Loan đã đóng các phí bảo BHXH, BHYT theo quy định của Đài Loan. Vậy, thời gian tôi làm việc bên Đài Loan có phải đóng BHXH tại Việt Nam nữa không?
Trả lời:
Căn cứ: Điểm g, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH
Theo đó: trường hợp bà Lệ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng(Luật số 72/2006/QH11) thì bà Lệ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Câu trả lời đã được chỉnh sửa nhưng vẫn đảm bảo nội dung chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử chính phủ