Hỏi & Đáp BHXH – BHXH Thành phố

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 03/11/2016 - 5785 lượt xem.

Một số tình huống vẫn hay thường gặp trong cuộc sống:

Câu 1: Đã nghỉ việc, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH thế nào?

Tôi làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2006 có đóng BHXH. Tháng 8/2015, tôi nghỉ việc, doanh nghiệp đã trả sổ BHXH. Khi tôi mang sổ đến BHXH huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để nhận trợ cấp BHXH 1 lần thì phát hiện sổ ghi nhầm ngày sinh. Cơ quan BHXH huyện Đại Lộc hướng dẫn tôi vào TP. Hồ Chí Minh để được cấp lại sổ. Như thế có đúng không? Tôi có thể nộp hồ sơ cấp lại sổ BHXH tại BHXH huyện Đại Lộc được không?

BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:

Đã nghỉ việc, sổ BHXH bị sai sót thì đến cơ quan BHXH quận, huyện cư trú để điều chỉnh

Căn cứ: Khoản 2, Điều 31 và Khoản 1, Điều 33 Quyết định số 959/QĐ-BHXH

Đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH, điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH thì người tham gia BHXH nộp hồ sơ như sau:

– Người đang làm việc nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc.

– Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH: nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Thời hạn cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp cần phải xác minh thì không quá 45 ngày làm việc.

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp sổ BHXH của ông đang bảo lưu thời gian đóng BHXH thì nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH do ghi nhầm ngày tháng sinh tại cơ quan BHXH quận, huyện nơi cư trú (BHXH huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Câu 2: Đóng BHXH trên 20 năm có được lĩnh trợ cấp 1 lần?

Cho tôi hỏi trường hợp 1 người nữ đã đóng BHXH trên 20 năm nhưng nghỉ việc khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Vậy người này nghỉ việc thì 1 năm sau có được đăng ký nhận trợ cấp BHXH 1 lần hay không, hay bắt buộc phải đợi đến tuổi nghỉ hưu để nhận lương hưu?

BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:

Lao động nữ đóng BHXH trên 20 năm không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp BHXH 1 lần

Trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH trên 20 năm thì không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần theo diện sau 1 năm nghỉ việc mà phải đợi đến khi đủ tuổi để hưởng hưu theo đúng quy định.

Câu 3: Công ty cũ ngừng hoạt động, chốt sổ BHXH thế nào?

Tôi đóng BHXH năm 2011, 2012, sau khi nghỉ việc tôi không được chốt sổ do công ty nợ tiền đóng BHXH. Năm 2014, tôi làm việc tại công ty mới, đóng BHXH theo số sổ cũ. Hiện tôi chuẩn bị nghỉ việc, nhưng công ty hiện tại cũng không thể rút sổ và chốt sổ BHXH cho tôi do vẫn vướng quá trình công ty cũ nợ BHXH. Công ty cũ tôi làm việc đã ngừng hoạt động. Tôi xin hỏi, tôi muốn hủy quá trình tham gia BHXH tại công ty cũ, chỉ cần ghi nhận và chốt sổ quá trình tham gia BHXH ở công ty hiện tại thì thủ tục thế nào?
Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:

Người lao động được quyền cấp lại sổ BHXH (sổ chưa chốt tại doanh nghiệp) theo phiếu giao nhận hồ sơ 305 nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động

Theo quy định, mỗi người lao động chỉ được tham gia BHXH trên một số sổ BHXH. Do đó, nếu người lao động đã được cấp sổ BHXH tại công ty cũ thì khi nghỉ việc người lao động phải liên hệ với công ty cũ để nhận lại sổ BHXH (sổ đã chốt), khi người lao động có việc làm thì kê khai số sổ BHXH cho công ty mới để tiếp tục đóng và ghi nhận quá trình đóng BHXH trên sổ BHXH đó.

Trường hợp khi nghỉ việc tại công ty cũ ông chưa nhận lại sổ BHXH, nay công ty cũ đã ngừng hoạt động thì:

+ Lập hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH theo phiếu GNHS 305, trong Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) cần ghi rõ khi nghỉ việc chưa nhận sổ BHXH và nay công ty đã ngừng hoạt động, đồng thời đề nghị chốt sổ đến thời điểm công ty đóng đủ tiền nộp cho cơ quan BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH để được giải quyết cấp lại sổ BHXH và chốt sổ.

+  Sau khi được cấp lại sổ BHXH, ông cung cấp sổ BHXH cho công ty mới để chốt tiếp quá trình đóng BHXH, BHTN khi nghỉ việc.

Câu 4: Có được thanh toán lại phần đồng chi trả BHYT?

Người nhà tôi đã được cấp giấy miễn đồng chi trả BHYT từ ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, do không nắm rõ quy định nên ngày 22/8/2016, khi người nhà tôi nhập viện điều trị tiếp đã không nộp giấy này cho bệnh viện. Tôi xin hỏi, nay người nhà tôi phải làm thủ tục như thế nào để được thanh toán lại chi phí 20% đã nộp cho bệnh viện?

Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:

Nếu có giấy xác nhận đồng chi trả thì lúc đi khám, chữa bệnh phải mang theo để trình cho Bệnh viện

Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn chưa quy định việc thanh toán lại phần đồng chi trả cho các trường hợp đã được cấp giấy đồng chi trả nhưng không trình cho Bệnh viện để bảo đảm quyền lợi.
Vì vậy, BHXH TP. Hồ Chí Minh không thể thanh toán lại phần đồng chi trả mà người nhà bệnh nhân đã thanh toán.

Câu 5: Lương theo hiệu quả công việc không tính đóng BHXH

Công ty của tôi dự định thành lập bộ phận kinh doanh và lương được tính theo 2 phần là lương cơ bản và lương KPI tính theo hiệu quả, năng lực hoàn thành công việc trong tháng. Vậy, lương KPI có tính đóng BHXH không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

   Lương KPI tính theo hiệu quả, năng lực hoàn thành không phải đóng BHXH

Căn cứ:
– Khoản 1, Khoản 2, Điều 30, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH

– Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH

Theo đó: khoản lương KPI tính theo hiệu quả, năng lực hoàn thành công việc gắn với ngày công thực tế trong tháng không thuộc tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định.

Câu trả lời đã được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo nội dung chính.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử chính phủ