Hỏi đáp về hóa đơn chứng từ – phần 2

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 09/11/2012 - 18807 lượt xem.

Hóa đơn chứng từ

6/ Về việc mất hoá đơn khi thanh lý hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai

Trường hợp người mua là cá nhân không kinh doanh làm mất hoá đơn liên 2 bản gốc, Cục Thuế Thành phố đã có văn bản số 5381/CT-TTHT ngày 18/7/2012 hướng dẫn Chi Cục Thuế Nhà Bè, cụ thể:

Trường hợp Chi nhánh Công ty TNHH xây dựng, sản xuất thương mại Tài Nguyên (Chi nhánh) ký hợp đồng bán bất động sản hình thành trong tương lai cho khách hàng, khi thu tiền theo tiến độ Chi nhánh đã lập hoá đơn giao cho khách hàng theo đúng quy định, nay nếu người mua làm mất hoá đơn liên 02 bản gốc thì người mua và Chi nhánh lập thủ tục báo mất hoá đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đồng thời người mua làm mất hoá đơn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 51/210/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.

7/ Về hoá đơn chứng từ đối với Doanh nghiệp bán lẻ (mỗi hoá đơn bán hàng có giá trị trên 200.000đ) và số lượng hàng bán trên 200 hoá đơn/ngày.

– Tại tiết b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ có quy định:

“Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày.”

– Căn cứ Công văn số 3378/TCT-CS ngày 22/09/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoá đơn chứng từ đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ thì:

“… Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long, đối tượng khách hàng chủ yếu của các siêu thị của Công ty là người tiêu dùng cuối cùng, các siêu thị của Công ty đều sử dụng Phần mềm tính tiền, khách hàng mua hàng tại các siêu thị đều được cung cấp Phiếu tính tiền được in ra 1 liên duy nhất, trên Phiếu tính tiền có các tiêu thức: Tên, địa chỉ, MST của doanh nghiệp kinh doanh siêu thị; tên hàng hóa, giá trị, số lượng, thuế suất thuế GTGT; tổng tiền thanh toán; tên nhân viên thu ngân, số thứ tự của phiếu, quầy thu ngân … Dữ liệu trên Phần mềm tính tiền (hoặc Phần mềm bán hàng) được lưu trữ để phục vụ công tác quản trị nội bộ. Việc đối chiếu tiền – hàng được đối chiếu khớp giữa ba bộ phận: Thu ngân, Quỹ và Kế toán. Cuối ngày, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long in Bảng tổng hợp bán hàng làm căn cứ hạch toán kế toán.

Căn cứ các quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC và đặc điểm của ngành kinh doanh siêu thị bán lẻ nêu trên, Tổng cục Thuế giao Cục thuế thành phố Hà Nội kiểm tra thực tế, nếu đơn vị đáp ứng các điều kiện nêu trên thì hướng dẫn đơn vị:

– Đối với những khách hàng mua hàng tại các siêu thị của Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long, khi khách hàng thanh toán, siêu thị lập và giao Phiếu tính tiền được in từ Phần mềm tính tiền cho khách hàng.

– Đối với khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn GTGT thì Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long phải lập và giao hóa đơn cho khách hàng (kể cả những khách hàng mua hàng hóa có giá trị dưới 200 nghìn nhưng có yêu cầu lấy hóa đơn GTGT). Những khách hàng không yêu cầu lấy hóa đơn GTGT, cuối ngày, căn cứ trên tổng giá trị Phiếu tính tiền doanh nghiệp được lập chung một (01) hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn GTGT phát sinh trong ngày. Chỉ tiêu người mua trên hóa đơn ghi rõ là khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì chỉ có các đơn vị bán lẻ xăng dầu (quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC) và siêu thị Big C Thăng Long (hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại công văn 3378/TCT-CS) khi bán hàng có giá trị trên 200.000 đồng/lần trở lên nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị được phép lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày. Các trường hợp khác khi bán hàng phải lập hoá đơn theo đúng quy định. Tuy nhiên hiện nay có nhiều Siêu thị, đơn vị cũng có hoạt động kinh doanh bán lẻ tương tự như trường hợp của siêu thị Big C kiến nghị được áp dụng việc lập hóa đơn như công văn số 3378/TCT- CS. Vấn đề này Cục Thuế đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến Tổng Cục Thuế. Khi Tổng Cục Thuế có hướng dẫn Cục Thuế sẽ thông báo cho các Chi cục Thuế, các Phòng biết để thực hiện.

hóa đơn8/ Sử dụng hóa đơn khi xuất bán hàng hóa, dịch vụ vào khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu tại chỗ.

Tại khoản 2.c Điều 3, khoản 1.k Điều 4 Thông tư số 153/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ có quy định:

“ Hoá đơn xuất khẩu là hoá đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hoá, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quancác trường hợp được coi như xuất khẩu, hình thức và nội dung theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật về thương mại.”

“…Tổ chức, cá nhân được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại”

Căn cứ Công văn số 6282/BTC-TCT ngày 16/5/2011 của Bộ Tài chính về sử dụng hoá đơn đối với loại hình xuất khẩu tại chỗ:

“ Điều 3; Điều 4, Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn “Hóa đơn xuất khẩu là hóa đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, hình thức và nội dung theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật về thương mại”;

“Tổ chức, cá nhân được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, thời điểm trước ngày 01/01/2011, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động gia công xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật Thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài thì phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam.

Kể từ ngày 01/01/2011, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ thì được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu cho hoạt động này. Do đó hồ sơ Hải quan đối với loại hình xuất khẩu tại chỗ được quy định tại Khoản 4 Điều 41 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn xuất khẩu thay cho hóa đơn giá trị gia tăng.”

Như vậy từ ngày 01/01/2011 khi bán hàng vào khu phi thuế quan doanh nghiệp sử dụng hoá đơn GTGT, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ thì được đăng ký với cơ quan thuế về việc sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hoá đơn xuất khẩu cho hoạt động này.

9/ Về sử dụng hoá đơn xuất khẩu và đồng tiền ghi trên trên hoá đơn:

Căn cứ khoản 2.e Điều 14 Thông tư số 153/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ:

“Đồng tiền ghi trên hoá đơn

Đồng tiền ghi trên hoá đơn là đồng Việt Nam.

Trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt.

Ví dụ: 10.000 USD – Mười nghìn đô la Mỹ.

Người bán đồng thời ghi trên hoá đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hoá đơn.”

Căn cứ công văn số 4355/BTC-CT ngày 3/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đồng tiền ghi trên hoá đơn,

Trường hợp doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài thì phải lập hoá đơn xuất khẩu giao cho khách hàng nước ngoài. Việc Chi cục Thuế phản ánh cơ sở kinh doanh khi xuất khẩu hàng hoá lập hoá đơn xuất khẩu nhưng không giao cho khách hàng (hóa đơn vẫn còn trong cuốn) là không đúng quy định.

Về đồng tiền ghi trên hóa đơn: Nếu khách hàng thanh toán bằng ngoại tệ thì đồng tiền thể hiện trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 2.e Điều 14 Thông tư 153/2010/TT-BTC (ghi bằng nguyên tệ).

Trường hợp doanh nghiệp phát hiện đã lập hóa đơn không đúng theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp và khách hàng lập biên bản huỷ hóa đơn để lập lại hóa đơn mới theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

10/ Về việc lập hóa đơn đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Trường hợp Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhưng được xác định là có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì dịch vụ này không được xem là dịch vụ xuất khẩu, phải áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%. Khi cung cấp dịch vụ cho tổ chức ở nước ngoài, Công ty sử dụng hoá đơn GTGT, đồng tiền ghi trên hoá đơn là đồng Việt Nam. Trường hợp Công ty được phép bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ thì đồng tiền ghi trên hoá đơn là đồng ngoại tệ, thực hiện theo hướng dẫn tại tiết e Khoản 2 Điều 14 Chương III Thông tư số 153/2010/TT-BTC.

11/ Về xử lý đối với hành vi mất hoá đơn nhưng đến năm 2012 mới phát hiện.

Trường hợp doanh nghiệp phát hiện mất hoá đơn đầu vào của năm 2010 trong thời gian hiệu lực thi hành của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 153/2010/TT-BTC thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 153/2010/TT-BTC.

 

Tham khảo Công văn số 6194/CT-TTHT ngày 17/9/2012 của Cục Thuế TP. HCM Về nội dung cuộc họp giao ban công tác Tuyên truyền – Hỗ trợ quý II/2012

HaiTam – Tamantax.com

Tags: