Hỏi và Đáp (Kỳ 2)  một số tình huống về lập và trình bày báo cáo tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, Thông tư 202/2014/TT-BTC, Thông tư 53/2016/TT-BTC

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 17/08/2016 - 10751 lượt xem.

Tiếp tục phần 1

Câu hỏi 7: Khoản trả trước cho người bán và khoản nhận trước của người mua bằng ngoại tệ có bắt buộc phải đánh giá lại không? Khoản nợ phải thu bằng ngoại tệ trở nên khó đòi có được đánh giá lại không vì đánh giá lại thì phải trích dự phòng?

Trả lời: Việc có đánh giá lại khoản nhận trước hoặc trả trước hay không tùy thuộc vào việc các khoản này có thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hay không. Nếu không có bằng chứng cho thấy hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện thì bên trả trước có quyền và bên nhận trước có nghĩa vụ thanh toán bằng hàng hóa, dịch vụ. Như vậy các khoản mục này không phải là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và không phải đánh gia lại.

Đối với khoản nợ phải thu khó đòi bằng ngoại tệ thì vẫn phải đánh giá lại cho dù sau đó sẽ tiếp tục trích dự phòng vì đây là 2 vấn đề khác nhau. Nợ trở nên khó đòi không có nghĩa là đơn vị mất quyền được thu hồi. Nếu không đánh giá lại thì không phản ánh đúng quyền của đơn vị. Nếu không dự phòng sẽ không phản ánh được khả năng tổn thất. Việc cho rằng khoản lãi do đánh giá lại rồi sẽ bù trừ với chi phí dự phòng là không phù hợp. VAS và IFRS đều không có hạn chế về việc không đánh giá lại khoản mục tiền tệ trở thành nợ khó đòi.

Câu hỏi 8: Làm thế nào để xác định được khi nào khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trở thành đã thực hiện?

Trả lời: Thông tư 200 đã bỏ khái niệm về việc coi khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là chưa thực hiện. Tất cả chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại đều là đã thực hiện, do đó cũng bải bỏ hạn chế về việc cấm doanh nghiệp phân phối lợi nhuận đối với lãi tỷ giá do đánh giá lại.

Câu hỏi 9. Nếu các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, như các khoản cho vay, trái phiếu, tiền gửi có kỳ hạn… bị quá hạn thì có được trích lập dự phòng không?

Trả lời: Khoản cho vay đã được trình bày là phải thu nên được trích lập dự phòng. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác chưa được lập dự phòng nhưng phải đánh giá khả năng thu hồi. Nếu có bằng chứng là một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư có thể không thu hồi được thì phải ghi nhận số tổn thất vào chi phí tài chính trong kỳ. Trường hợp số tổn thất không thể xác định được một cách đáng tin cậy, kế toán có thể không ghi giảm khoản đầu tư nhưng phải thuyết minh về khả năng thu hồi của khoản đầu tư.

Câu hỏi 10. Các khoản cho vay nào được phép trình bày trên BCĐKT? Các khoản nhận ủy thác, nhận hợp vốn cho vay kế toán như thế nào?

Trả lời: Một khoản cho vay được ghi nhận trên BCĐKT khi doanh nghiệp phải nắm giữ rủi ro và lợi ích từ khoản cho vay. Như vậy, chỉ những khoản doanh nghiệp trực tiếp cho vay hoặc là bên ủy thác cho vay mới được trình bày trên BCĐKT.
Khi doanh nghiệp đóng vai trò là bên nhận ủy thác, nhận hợp vốn cho vay thì khoản tiền giải ngân cho bên thứ ba không được trình bày là khoản cho vay trên BCĐKT.

Câu hỏi 11. Việc tính giá vốn chứng khoán kinh doanh được thực hiện theo phương pháp nào?

Trả lời: Thông tư 200 yêu cầu tính theo phương pháp bình quân gia quyền. Tuy nhiên Thông tư 53 bổ sung thêm phương pháp FIFO để phù hợp với một số phần mềm. Nghĩa là doanh nghiệp được phép lựa chọn một trong 2 phương pháp trên nhưng phải đảm bảo áp dụng nhất quá trong cả năm tài chính. Trường hợp sang năm tài chính mới có sự thay đổi phương pháp thì phải thuyết minh trên BCTC và phải báo cáo lại thông tin so sánh theo VAS 29.

Câu hỏi 12. Công ty con sử dụng LNSTCPP để tăng vốn. Sau một thời gian trả lại một phần vốn đầu tư của chủ sở hữu cho công ty mẹ. Công ty mẹ có được ghi giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty con không?

Trả lời: Trường hợp này cần phải cân nhắc vì lúc này giá trị tài sản thuần của công ty con đã cao hơn giá gốc khoản đầu tư của công ty mẹ. Nếu ghi giảm giá trị khoản đầu tư có thể dẫn đến khoản đầu tư bị âm. Mặt khác, không nên vận dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với liên doanh, liên kết cho trường hợp này vì giá trị khoản đầu tư trước đây đã được ghi tăng thì nay nhận lại mới được ghi giảm. Trường hợp này cần căn cứ bản chất là phân phối lợi nhuận mặc dù hình thức là trả lại vốn cho nhà đầu tư. Vì vậy, cần xem xét ghi nhận doanh thu.

Câu hỏi 13: Khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá kế toán như thế nào?

Trả lời: khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư.

Câu hỏi 14: Trường hợp giải thể công ty con để sáp nhập vào công ty mẹ thì thực hiện những thủ tục kế toán như thế nào?

Trả lời: Khi giải thể công ty con để sáp nhập vào công ty mẹ, công ty con chấm dứt hoạt động phải lập BCTC trên cơ sở hoạt động không liên tục, theo đó phải đánh giá lại toàn bộ tài sản thuần. Công ty mẹ, phải ghi giảm giá trị ghi sổ khoản đầu tư; Ghi nhận toàn bộ tài sản, nợ phải trả của công ty con bị giải thể theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập; Phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính.

Câu hỏi 15. Điểm d khoản 1 điều 33 Nghị định 59: Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi sổ thì xác định theo giá trị ghi sổ. Điều này dẫn đến việc chưa tính đến khoản lỗ từ các khoản đầu tư. Nhà đầu tư phải mua vốn ảo và chịu thiệt hại?

Trả lời: Do chưa hiểu hết nghị định 59. Theo quy định tại khoản 1 điều 17 Nghị định 59: “Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính…. Được xử dụng để bù đắp theo quy định hiện hành…” Vì vậy cần hiểu giá trị ghi sổ khoản đầu tư là giá đã xử lý dự phòng.

Câu hỏi 16: Việc trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh, đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác thực hiện như thế nào?

Trả lời:
– Đối với chứng khoán kinh doanh, chỉ trích lập dự phòng giảm giá;
– Đối với đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết: Chỉ trích lập dự phòng do lỗ, không trích lập dự phòng giảm giá.
– Khoản đầu tư dài hạn thông thường (sẵn sàng để bán): Nếu là chứng khoán niêm yết thì trích lập dự phòng giảm giá; Nếu không xác định được giá trị hợp lý thì trích lập dự phòng tương tự như khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết;

Tác giả: Ông Trịnh Đức Vinh

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài Chính