Hỏi và Đáp (KỲ 4) một số tình huống về lập và trình bày báo cáo tài chính theo Thông tư mới

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 19/08/2016 - 7571 lượt xem.

Tiếp tục phần 3

Câu hỏi 29: Nếu không thể đối chiếu xác nhận nợ do con nợ bỏ trốn, có được trích lập dự phòng phải thu khó đòi không?

Trả lời:

– Cho mục đích trình bày BCTC vẫn trích dự phòng bình thường;

– Do Thông tư 228 quy định phải có biên bản đối chiếu công nợ nên chi phí dự phòng không được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Vì vậy phải loại bỏ chi phí này trên quyết toán thuế TNDN.

– Cần lưu ý khoản dự phòng phải thu khó đòi được trích lập căn cứ vào kỳ hạn gốc trong hợp đồng mà không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên;

Câu hỏi 30: Khi nào trích trước chi phí sử dụng TK 335? Khi nào sử dụng TK 352?

Trả lời: Thông tư 200 quy định 3 tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa khoản dự phòng phải trả và chi phí phải trả là:

+ Người mua đã được nhận dịch vụ cung cấp hay chưa (công việc đã được thực hiện chưa?);

+ Giá trị khoản phải trả có được xác định một cách chắc chắn không?;

+ Thời gian thanh toán nợ phải trả có được xác định một cách chắc chắn không?

Nếu câu trả lời đồng thời là “Có” thì kế toán là chi phí phải trả; Nếu là không thì kế toán là dự phòng phải trả.

Câu hỏi 31: Chi phí hoàn nguyên môi trường được phân bổ trong bao nhiêu năm? Thời điểm trích chi phí hoàn nguyên môi trường bắt đầu khi nào?

Trả lời: Thông tư 200 chỉ quy định việc trích trước chi phí hoàn nguyên môi trường và sử dụng tài khoản 3524 để kế toán. Mức trích, thời điểm bắt đầu và kết thúc việc trích… phải thực hiện theo cơ chế chính sách áp dụng cho từng ngành nghề,  từng đơn vị. Ví dụ việc trích trước chi phí thu dọn mỏ của Tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam hoặc trích trước chi phí hoàn nguyên môi trường của Tập đoàn Than và Khoáng sản phải thực hiện theo quy định cụ thể của pháp luật áp dụng cho từng ngành.

Câu hỏi 32: Có được ghi nhận khoản vốn góp bằng thương hiệu không?

Trả lời: Thông tư 200 quy định chỉ khi pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được ghi nhận khoản vốn góp bằng thương hiệu.

Hiện nay việc đánh giá giá trị thương hiệu chưa thật sự đáng tin cậy mà chứa đựng nhiều rủi ro. Khi chưa có quy định cụ thể của pháp luật thì mọi giao dịch góp vốn bằng thương hiệu sẽ kế toán là cho thuê thương hiệu

Câu hỏi 33: Nhà đầu tư đã góp đủ vốn bằng ngoại tệ theo giấy phép đầu tư. Nếu số vốn góp bằng ngoại tệ được quy đổi ra VND trên BCTC khác so với số vốn quy đổi ra VND trên giấy phép đầu tư (do chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm cấp phép và thời điểm góp vốn) thì xử lý chênh lệch tỷ giá như thế nào?

Trả lời: Khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ của Doanh nghiệp được xác định bằng ngoại tệ tương đương với một số lượng tiền VNĐ, việc xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ (thừa, thiếu, đủ so với vốn điều lệ) được căn cứ vào số lượng ngoại tệ đã thực góp, không xem xét tới việc quy đổi ngoại tệ ra VNĐ theo giấy phép đầu tư.

Câu hỏi 34: Tại sao khi sử dụng quỹ ĐTPT để đầu tư TSCĐ không thấy hướng dẫn kết chuyển quỹ ĐTPT sang vốn đầu tư của chủ sở hữu?

Trả lời: Thông tư 200 đã bỏ bút toán kết chuyển vì việc đầu tư TSCĐ và việc sử dụng quỹ ĐTPT là 2 việc hoàn toàn khác nhau. TSCĐ có thể đầu tư bằng nhiều nguồn như vốn tự có hoặc vốn vay.

Việc tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu từ quỹ ĐTPT không phụ thuộc vào việc có đầu tư TSCĐ hay không mà phụ thuộc vào nhu cầu SXKD và điều hành của doanh nghiệp

Câu hỏi 35: Vì sao công ty mẹ không được phân phối lợi nhuận dựa trên BCTC riêng mà phải căn cứ vào BCTCHN?

Trả lời: Do nhiều khoản lãi, lỗ trên BCTC riêng của công ty mẹ là chưa thực hiện do phát sinh từ các giao dịch nội bộ, vì vậy nếu phân phối lợi nhuận theo mức BCTC riêng có thể vượt quá mức LNSTCPP của BCTCHN và mọi trường hợp phân phối lợi nhuận vượt quá mức đều không  đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn.

Mặt khác nếu cả mẹ và con cùng có lãi thực hiện, nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của mẹ thì sẽ làm thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông công ty mẹ. Trường hợp này được chia theo mức BCTCHN sau khi công ty mẹ thu được cổ tức từ công ty con.

Câu hỏi 36: Giải thích rõ hơn nguyên tắc doanh thu ghi nhận theo nghĩa vụ thực hiện. Cho Ví dụ  minh họa nguyên tắc này. Có được trích trước khoản giảm trừ doanh thu không?

Trả lời:

  • Thông tư 200 đã cập nhật những quy định của IFRS 15, theo đó nghĩa vụ thực hiện đến đâu doanh thu ghi nhận đến đó. Như vậy, doanh thu được ghi nhận tương ứng với nghĩa vụ hiện tại đã thực hiện, nghĩa vụ trong tương lai chưa thực hiện thì phải được hoãn lại cho đến khi được thực hiện.
  • Đặc biệt trong các giao dịch phức hợp gồm cả việc bán hàng, cung cấp dịch vụ thì phải áp dụng các tiêu chuẩn nhận biết giao dịch riêng cho từng nghiệp vụ để ghi nhận doanh thu phù hợp.
  • Ví dụ, chương trình khách hàng truyên thống, bán BĐS nghỉ dưỡng, bán điện thoại kèm gói cước…
  • Theo nguyên tắc thận trọng chỉ có thể trích trước chi phí mà không thể trích trước khoản giảm trừ doanh thu vì nếu đã xác định được số doanhthu bị giảm trừ thì phải ghi nhận theo số thuần.
  • Trường hợp kỳ trước bán hàng, kỳ sau mới phát sinh khoản giảm trừ doanh thu và nếu khoản giảm trừ doanh thu thỏa mãn sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán thì được coi là sự kiện cần điều chỉnh và được điều chỉnh vào doanh thu kỳ bán hàng. Ngược lại, khoản giảm trừ doanh thu được điều chỉnh vào kỳ mà sự kiện phát sinh.

Câu hỏi 37: Các khoản thuế gián thu như GTGT, TTĐB, BVMT, XK có được coi là khoản giảm trừ doanh thu không? Việc trình bày thu nhập từ thanh lý TSCĐ được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

– Tất cả các khoản thuế gián thu nếu có đều không nằm trong cơ cấu doanh thu và thu nhập khác cũng như các khoản giảm trừ doanh thu.

– Việc ghi sổ kế toán không có sự khác biệt so với QĐ 15, tuy nhiên  trên BCKQKD, Khoản thu nhập/lỗ từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ được trình bày trên cơ sở thuần

Câu hỏi 38: Về việc ghi nhận doanh thu, giá vốn của các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ được thực hiện như thế nào? Có phụ thuộc vào hóa đơn GTGT hay Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ  không?

Trả lời: Vấn đề này được quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điểm e Khoản 3.2 Điều 20 Thông tư số 200. Theo đó việc ghi nhận doanh thu, giá vốn đối với các giao dịch mua, bán hàng giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc trong nội bộ một doanh nghiệp là do doanh nghiệp quyết định mà không phụ thuộc vào hình thức chứng từ xuất ra là hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Quy định tại Điều 8 Thông tư 200 mang tính khuyến cáo, không mang tính bắt buộc.

Câu hỏi 39: Doanh thu bán bất động sản của chủ đầu tư được ghi nhận như thế nào?

Trả lời: Phân biệt 3 trường hợp

– Nếu phân lô bán nền: Doanh thu được ghi nhận sau khi chuyển giao nền đất cho khách hàng;

– Nếu bàn giao thô và khách hàng có toàn quyền hoàn thiện nội thất: Ghi nhận doanh thu khi bàn giao thô;

– Nếu chìa khoá trao tay: Doanh thu ghi nhận khi bàn giao bất động sản.

Câu hỏi 40: Doanh nghiệp năm nay phải nộp bổ sung tiền thuê đất của một vài năm trước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do giá đất thay đổi chứ khong phải do sai sót. Vậy số tiền nộp này có được phân bổ dần vào chi phí không thông qua TK 242?

Trả lời: Khoản tiền đất phải nộp cho các năm trước trong trường hợp này phải ghi nhận ngay vào BCKQHĐKD, không được ghi nhận là chi phí trả trước vì bản chất khoản này không phải  là chi phí trả trước mà là một khoản tổn thất của doanh nghiệp, theo đó khoản tổn thất không được ghi nhận là một tài sản

Tác giả: Ông Trịnh Đức Vinh

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài Chính