Hướng dẫn cách hạch toán chi phí môi giới và thuế khi hợp tác kinh doanh với cá nhân

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 17/02/2017 - 35392 lượt xem.

Ngày 27/12/2016, Bộ Tài Chính ban hành công văn 18512/BTC-TCT

Theo đó hướng dẫn hạch toán chi phí môi giới và thuế khi hợp tác kinh doanh với cá nhân (giả định doanh nghiệp hạch toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC)

1. Về hạch toán kế toán

a) Trường hợp công ty ký hợp đồng môi giới với một cá nhân để làm trung gian giới thiệu khách hàng cho công ty.
Do đây là hợp đồng mua giới để cá nhân làm trung gian giới thiệu khách hàng, bán sản phẩm của công ty và công ty phải trả chi phí môi giới thì chi phí mua giới này sẽ được phản ánh vào TK 641.

Theo đó, công ty hạch toán như sau:

+ Trường hợp chi trả tiền thù lao, dịch vụ thuê ngoài… ngay cho các cá nhân bên ngoài, ghi:
Nợ TK 641
Có TK 333 (3335) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (số tiền thực trả)

+ Khi chi trả các khoản nợ phải trả cho các cá nhân bên ngoài Công ty, ghi:
Nợ TK 331
Có TK 333
Có TK 111, 112 (số tiền thực trả)

+ Khi nộp thuế TNCN vào Ngân sách Nhà nước thay cho người có thu nhập, ghi:
Nợ TK 333 (3335)
Có các TK 111, 112,…

b) Trường hợp Công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân để cùng thực hiện dịch vụ cho khách hàng.
Khi hợp đồng quy định cá nhân cùng đóng góp công sức, không đóng góp vốn và hưởng cố định theo tỷ lệ ( %) giá trị hợp đồng ký với khách hàng mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của hợp đồng là lãi hay lỗ thì về bản chất, đây là hợp đồng thuê dịch vụ bên ngoài.

Khi xác định số tiền phải trả cho cá nhân, ghi:

Nợ TK 627, 641,  642, 241,…(tùy thuộc vào việc cá nhân đó đóng góp công sức cho hoạt động nào của hợp đồng)
Có TK 333 (nếu có)
Có TK 111, 112, 331,…

2. Về chính sách thuế

a) Đối với hoạt động môi giới:

Căn cứ:

– Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC
– Điểm i, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

Theo đó:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng với cá nhân để thực hiện các hoạt động môi giới bán hàng hóa và cá nhân được hưởng tiền hoa hồng môi giới thì TNCN được xác định là tiền lương tiền công.
Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân nếu khoản trả từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên.

b) Đối với hoạt động hợp tác kinh doanh với tổ chức

Căn cứ:

– Điểm n, Khoản 3, Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC
– Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC
– Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Thông tư 92/2015/TT-BTC
– Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 92/2015/TT-BTC
– Điểm b, Khoản 1, Điều 7 Thông tư 92/2015/TT-BTC
– Điểm a.1, Khoản 2, Điều 3, Thông tư 92/2015/TT-BTC

Theo đó:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân phát sinh doanh thu thì khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo hợp đồng, Công ty có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, xác định thu nhập tính thuế TNDN theo quy định.

Căn cứ chứng từ chi theo hợp đồng hợp tác hợp tác kinh doanh và khoản chi này có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thì công ty được tính vào chi phí được trừ.

Khi công ty chia lại theo tỷ lệ (% ) doanh thu cho cá nhân, công ty có trách nhiệm khai và nộp thuế thay thuế TNCN cho cá nhân hoặc cá nhân tự kê khai, nộp thuế TNCN đối với thu nhập nhận được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tải công văn: TẠI ĐÂY