Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Hướng dẫn quy định mới về hợp đồng lao động

Ngày 25/10/2013, Bộ Lao Động Và Thương Binh Xã Hội ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị Định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về Hợp đồng lao động. 

Qua đó hướng dẫn thi hành việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định tại Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động .

Theo thông tư này, khái niệm “HĐLĐ giao kết đầu tiên” và “HĐLĐ kế tiếp” được trình bày rõ rãng, làm cơ sở xác định Bên chịu trách nhiệm tham gia BHXH cho người làm việc nhiều nơi.

♦ Hợp đồng lao động giao kết đầu tiên mà người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP là hợp đồng lao động có thời điểm ký kết đầu tiên trong số hợp đồng lao động mà người lao động đã tham gia ký kết.

♦ Hợp đồng lao động kế tiếp mà người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP là hợp đồng lao động có thời điểm ký kết liền kề ngay sau hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi.

Thông báo của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng lao động

♦ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi giao kết hợp đồng lao động mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết, người lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng lao động mới giao kết hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc đã chấm dứt đến người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động khác mà mình đã giao kết. Mẫu thông báo theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2013/TT-BTC.

♦  Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà làm thay đổi trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động thì người lao động có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định.

Thông báo của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

♦ Khi người lao động bị tai nạn lao động hoặc được xác định bị bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình trạng sức khỏe của người lao động đến những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại theo quy định tại Khoản 1 và Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP. 

Xử lý hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu.

Đối với các HĐLĐ bị tuyên vô hiệu có tiền lương thấp hơn quy định thì hai bên phải thỏa thuận lại và người sử dụng lao động phải hoàn trả phần lương chênh lệch cho người lao động.

Phần chênh lệch được tính theo công thức:

Phần lương chênh lệch = (Tiền lương thỏa thuận lại – Tiền lương cũ) x Số tháng làm việc thực tế

Trường hợp tiền lương trong hợp đồng lao động được thỏa thuận theo hình thức trả lương khác thì phải quy đổi về tiền lương theo tháng.

Số tháng làm việc thực tế của người lao động cho người sử dụng lao động tương ứng với mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu tính từ thời điểm tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu trở về trước. Trường hợp số tháng làm việc lớn hơn 12 tháng thì chỉ được tính hoàn trả tối đa là 12 tháng. Trường hợp thời gian thực tế làm việc tính theo tháng có ngày lẻ thì dưới 15 ngày không được tính; từ đủ 15 ngày trở lên được làm tròn lên 01 tháng làm việc.

Ngoài ra, thông tư còn quy định nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của nhà nước; trinh tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động….

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2013

Thông tư này thay thế Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ; Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 5 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động.

Xem toàn bộ văn bản và download về tại Thư Viện Webketoan.

 

 

 

Exit mobile version