Chỉ một chuyện đơn giản là có gạch chéo hay không gạch chéo phần bỏ trống trong hóa đơn nhưng trong hơn một năm qua, cơ quan thuế đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn chồng chéo lẫn nhau, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không biết đường đâu mà lần.
Còn DN ở hai địa phương khác nhau cũng không thể làm ăn với nhau do hóa đơn hợp lệ ở địa phương này thì bị địa phương khác xem là không hợp lệ.
Văn bản “đá nhau”
Tháng 6-2012, Cục Thuế TP.HCM có văn bản hướng dẫn DN khi lập hóa đơn phải gạch chéo bằng tay hoặc in bằng máy in phần bỏ trống. Trường hợp không gạch chéo phần bỏ trống hoặc gạch chéo phần bỏ trống bằng tay (khác màu mực) thì hóa đơn này được xác định không hợp lệ. Kèm theo đó DN sẽ bị phạt về hành vi sử dụng hóa đơn không đúng quy định và người mua không được kê khai thuế. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản ứng từ phía DN, đến ngày 31-8-2012, Cục Thuế TP.HCM lại có văn bản tạm thời chấp nhận đối với các hóa đơn không gạch chéo phần bỏ trống và DN vẫn được sử dụng để kê khai thuế giá trị gia tăng.
Sự việc này vừa lắng xuống thì đến cuối tháng 10-2012, Cục Thuế Bình Dương lại hướng dẫn ngược lại. Theo đó, DN phải dùng viết mực, loại mực không phai (không sử dụng mực đỏ) để gạch chéo phần còn trống trên hóa đơn thì việc lập hóa đơn mới đúng quy định. Nhiều DN cho biết do hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM và Cục Thuế Bình Dương trái ngược nhau, nên DN ở hai địa phương không thể làm ăn được với nhau do hóa đơn hợp lệ ở địa phương này thì bị địa phương khác xem là không hợp lệ. Sự việc này kéo dài đến tháng 5-2013 Tổng cục Thuế mới có văn bản theo hướng “dĩ hòa vi quý”, công nhận hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM lẫn Cục Thuế Bình Dương đều hợp lệ. Theo đó tất cả hóa đơn giá trị gia tăng phát hành từ ngày 1-1-2011 trở đi dù có gạch chéo hay không gạch chéo phần bỏ trống đều được cơ quan thuế chấp nhận.
Tuy nhiên chưa đến một tháng sau, Bộ Tài chính lại ra thông tư 64 quy định ngược lại. Theo đó, từ ngày 1-7-2013, với hóa đơn tự in hoặc đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì DN phải gạch chéo bằng bút mực (không sử dụng mực đỏ) mới hợp lệ. Bộ Tài chính cũng bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về hóa đơn tại các văn bản trước đây trái với thông tư này.
“Không hợp lý”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các DN cho rằng việc quy định phải gạch chéo phần bỏ trống trong hóa đơn là không hợp lý. Anh Trần Hoài Đức, kế toán Công ty CP Địa Sinh – chuyên kinh doanh vật tư ngành in, cho rằng việc quy định gạch chéo phần bỏ trống trong hóa đơn là vô lý, làm mất thời gian của DN. “Hóa đơn in ra từ máy đã thể hiện rõ tổng số tiền bằng chữ cũng như bằng số, do vậy rất khó để DN in thêm vào hóa đơn nên rất khó có thể xảy ra gian lận” – anh Đức nói.
Nhiều DN khác cũng lên tiếng về quy định này. Đầu tháng 7-2013, Công ty TNHH TM&DP Sang (quận 1, TP.HCM, chuyên bán lẻ dược phẩm) đã có văn bản kiến nghị gửi Cục Thuế TP.HCM, trong đó cho biết việc gạch chéo phần trống của từng hóa đơn phải làm thủ công, rất khó khăn và làm kéo dài việc luân chuyển chứng từ qua các bộ phận khác, dẫn đến chậm trễ giao hàng đến người mua vì số lượng hóa đơn phát hành của DN này rất lớn. Riêng trụ sở ở TP.HCM một tháng sử dụng đến 56.419 hóa đơn, tính ra bình quân mỗi ngày sử dụng đến 2.170 hóa đơn. Tính luôn cả chi nhánh Hà Nội, số hóa đơn sử dụng mỗi ngày lên đến 3.482 hóa đơn. Tuy nhiên trả lời Công ty TNHH TM&DP Sang, Cục Thuế TP.HCM khẳng định không có thẩm quyền xem xét, giải quyết đề nghị này.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cục Thuế và DN tổ chức mới đây, đại diện Công ty TNHH APL – NOL VN (quận 3) nói việc gạch chéo phần còn trống trên hóa đơn tự in sẽ tiêu tốn thời gian, gây chậm trễ hoạt động giao nhận chứng từ tại quầy giao dịch đối với trường hợp các công ty có số lượng hóa đơn phát hành hằng tháng rất lớn. DN này cũng kiến nghị cơ quan thuế xem xét và đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi quy định này.
Đại diện Công ty TNHH KAO VN (Cộng Hòa, Q.Tân Bình) cũng cho rằng việc gạch chéo phần còn trống trên hóa đơn gây rất nhiều khó khăn cho DN vì DN in hóa đơn từ phần mềm dùng chung cho cả tập đoàn. Do đó chỉ còn cách in ra và gạch bằng tay. Với số lượng in ra mỗi ngày 400-500 hóa đơn, để thực hiện công việc này công ty buộc phải thuê thêm một nhân công. Như vậy chi phí sẽ tăng lên mà thời gian chuẩn bị để giao hàng bị kéo dài do phải chờ đợi hoàn tất hóa đơn.
Đã kiến nghị Bộ Tài chính Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận thời gian qua nhiều DN bức xúc về quy định gạch chéo phần bỏ trống trong hóa đơn. Từ phản ảnh của DN, Cục Thuế đã có hướng xử lý tạm thời là không buộc phải gạch chéo phần bỏ trống. Tuy nhiên mới đây Bộ Tài chính ban hành thông tư 64 buộc phải gạch chéo phần bỏ trống thì hóa đơn mới hợp lệ. “Từ phản ảnh của DN, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính theo hướng bỏ quy định gạch chéo phần trống hóa đơn theo đề nghị của DN nhưng đến nay Cục Thuế TP.HCM chưa nhận được văn bản trả lời” – bà Nga cho biết. |
ÁNH HỒNG
Nguồn TT Online