Khổ vì quy định lỗi thời

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 30/01/2013 - 7430 lượt xem.

Nhiều chính sách, quy định lạc hậu, phi thực tế, nhưng đến nay vẫn được áp dụng tại nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương, gây lúng túng, thậm chí bức xúc cho cán bộ công chức và người dân.

Vừa đi máy bay vừa ngủ khách sạn

Đầu những năm 2000, theo quy định của ngành tài chính, cán bộ (lính “chay”) mà đi công tác các tỉnh lẻ chỉ được thanh toán mỗi ngày 90.000 đồng tiền ngủ khách sạn, dù trong hóa đơn có ghi bao nhiêu thì cũng chỉ được thanh toán chừng đó. Ở các thành phố “tỉnh lẻ” dạo đó, chỗ ngủ tồi nhất cũng mất 150.000 đồng/đêm, vì vậy, hễ đi công tác một ngày, cán bộ đó phải chịu thiệt 60.000 đồng. Thắc mắc trước nghịch lý này thì kế toán giải thích như sau: đó là quy định của “tài chính”. Nếu “ngủ ghép” thì hai người vẫn “thừa” tiền cơ mà! Báo hại, có phải cơ quan lúc nào cũng đi hai người đâu để mà ngủ ghép? Nếu đi một mình, nếu anh nào “ngủ ghép” thì lại là người… ngoài cơ quan.

Sau nhiều lần thấy nhân viên trong cơ quan mình phải chịu thiệt về tiền ngủ sau mỗi chuyến công tác, cô kế toán của cơ quan anh Nguyễn Thành – một đơn vị hành chính sự nghiệp mới “bày” cho anh: “Từ nay, hễ mỗi lần đi công tác, thay vì ngủ 2 đêm, anh nói với bộ phận lễ tân ghi 3 đêm, số tiền anh phải trả vẫn không thay đổi, chỉ thay đổi số đêm ngủ. Anh không phải chịu thiệt mà kế toán cũng đỡ khó xử”. Y lời kế toán bày vẽ, một lần, anh Thành đã yêu cầu lễ tân ghi thêm ngày, nhưng khổ nỗi, ngày “ghi thêm” đó, ông sếp lại bất ngờ điều động anh bay ra Hà Nội gấp, mà vé máy bay, hễ bay ngày nào thì hiện lên ngày đó chứ không thể ghi sai ngày cho hợp với chứng từ “ngủ thêm” ở khách sạn được. Đến khi thanh toán công tác phí, chính cô kế toán ấy “tố” anh Thành: “Tại sao anh vừa ngủ khách sạn (đêm ghi thêm) mà lại vừa bay (ngày ghi trong vé) đi Hà Nội?”. Anh thành… cứng miệng, “chừa” luôn cái trò “lươn lẹo” mà cô kế toán ấy bày vẽ.

Hiện nay, việc thanh toán tiền phòng ngủ cho cán bộ nhân viên khi đi công tác ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có “nhích lên” nhưng so với thực tế thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Ví dụ như ngủ ở TP.HCM (cán bộ dưới cấp trưởng phó phòng đi lẻ) thì chỉ thanh toán được 300.000 đồng/ngày. Số tiền này chỉ đủ để thuê… nhà nghỉ vài giờ.

Minh họa: DAD

 Xe ôm cũng phải có… hóa đơn

Một cán bộ làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp ở Quảng Trị thường xuyên đi công tác ở Đà Nẵng. Vé xe Đông Hà – Đà Nẵng là 60.000 đồng. Kẹt nỗi, nhà anh ở thị xã Quảng Trị, cách Đông Hà gần 20 cây số nên anh ra quốc lộ để đón xe. Toàn bộ những chuyến công tác đó, anh không được thanh toán vì không có vé xe theo quy định của tài chính. Muốn có vé xe, anh lại phải đón xe ôm quay ngược ra Đông Hà, mất thêm 40.000 đồng! Lại nữa, từ Bến xe Đà Nẵng mà đến cơ quan anh dưới bờ sông Hàn, anh lại đón xe ôm lần nữa, tốn thêm khoảng 40.000 đồng. Mỗi lần đi công tác “có vé xe”, anh phải chịu thiệt thêm 70.000 đồng tiền xe ôm. Nghe anh than thở, cô kế toán “bày”: “Anh phải nhờ anh xe ôm ấy ghi giấy xác nhận để có chứng từ!”. Một hôm, anh làm theo lời chỉ dẫn của cô kế toán, thì anh xe ôm nói tỉnh queo: “Anh thông cảm, em không biết chữ”. Thế là anh đành bỏ luôn.

Tất cả kế toán ở các cơ quan đều thấy rõ nghịch lý trên, từ chuyện công tác phí đến chế độ thanh toán tiền ngủ, tiền tàu xe, song họ không thể “linh hoạt vượt rào” để rồi khi tài chính cấp trên về kiểm tra, họ sẽ bị xuất toán thì không lấy đâu ra tiền mà đền!

Một bữa cơm, uống… 300 chai nước khoáng

Hiện nay, có những địa phương ra quy định rất kỳ quặc: “Không được tiếp khách bằng bia rượu”. Lâu lâu gặp nhau, nhất là “cấp trên về thăm” mà… uống nước khoáng thì coi sao được. Thế là… bia. Mà đâu chỉ uống một vài chai. Hứng lên là 5-7 chai/người. Một đoàn 10 người, cả khách lẫn chủ nhà cũng mất vài thùng, ngót nghét triệu bạc.

Để cho hợp lý chứng từ, cô kế toán buộc phải bắt nhà hàng ghi phần “nước uống” là nước khoáng. Một triệu tiền nước khoáng hiện nay là khoảng 300 chai! Tài chính ở trên về kiểm tra, thấy cái “list” nước khoáng cho một bữa ăn ấy là không thể nhịn được cười vì nó quá vô lý với thực tế nhưng nó lại “hợp lý” với quy định. Ai cũng biết chuyện “đóng kịch” này là rất vô lối nhưng rồi tất cả đều… gật đầu chấp nhận.

Đó là thực tế rất hài hước của những quy định hiện hành, ai cũng kêu nhưng sửa cho hợp lý thì không biết đến bao giờ!

Trần Đăng

Theo báo TN Online