Lãi biên là bao nhiêu?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 29/08/2012 - 6031 lượt xem.

Hiện nay trên một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng các ngân hàng “ăn trên lưng doanh nghiệp” khi duy trì một mức chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra lên tới 6%! Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, việc tính toán một cách cơ học như vậy là chưa hiểu đúng bản chất về hoạt động tín dụng ngân hàng.

 

 

Lãi suất bình quân đầu vào cao

Hiện nay trên một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng các ngân hàng “ăn trên lưng doanh nghiệp” khi duy trì một mức chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra lên tới 6%! Những luồng thông tin này chủ yếu căn cứ vào việc NHNN đề nghị các NHTM hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống còn tối đa 15%/năm, trong khi hiện trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng đang được khống chế ở mức tối đa là 9%/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, việc tính toán một cách cơ học như vậy là chưa hiểu đúng bản chất về hoạt động tín dụng ngân hàng. Hiện nay, lãi suất huy động có nhiều trần khác nhau (không kỳ hạn và dưới 1 tháng là 2%/năm, từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm; trên 12 tháng theo lãi suất thỏa thuận). Còn với lãi suất cho vay, NHNN đã áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ là 13%/năm. Trong khi hiện các NHTM cũng đang triển khai rất nhiều gói tín dụng với lãi suất chỉ vào khoảng 11-12%/năm, cá biệt có NHTM triển khai gói tín dụng với lãi suất chỉ 9-10%/năm. Vì vậy, việc lấy lãi suất của các khoản vay cũ là 15%/năm và trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm để tính chênh lệch là thiếu tính khoa học.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), khi tính chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, cần theo tỷ trọng huy động và cho vay với lãi suất tương ứng. Có nghĩa, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra là chênh lệch giữa lãi suất bình quân đầu ra so với lãi suất bình quân đầu vào. Vậy lãi suất bình quân đầu vào của các NHTM hiện nay là bao nhiêu?

Theo lãnh đạo Ban nguồn vốn của một NHTM Nhà nước, thời gian trước, nguồn vốn không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi thanh toán) tại ngân hàng này chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn huy động. Do nguồn vốn này có mức lãi suất rất thấp nên bình quân giá vốn đầu vào cũng thấp. Tuy nhiên, hiện do nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cũng có xu hướng rút tiền ra để đầu tư cho sản xuất – kinh doanh nên hiện nguồn vốn không kỳ hạn chỉ chiếm tỷ trọng cỡ 10%. Trong khi, ngân hàng cũng đang đẩy mạnh huy động nguồn vốn trên 12 tháng để cơ cấu lại nguồn vốn với lãi suất 10%/năm. Chưa kể lượng vốn huy động với lãi suất cao thời gian trước vẫn còn khá nhiều, đẩy lãi suất bình quân đầu vào tại ngân hàng này lên tới 10%/năm. “Mức lãi suất bình quân này còn là thấp đấy, với nhiều NHTM khác còn cao hơn nữa”, vị lãnh đạo ban nguồn vốn này khẳng định.

Lời khẳng định của vị này không phải không có lý khi các NHTM Nhà nước chiếm ưu thế rất lớn so với các NHTMCP trong việc huy động vốn. Đa phần các nguồn tiền gửi thanh toán của các DNNN lớn đều nằm tại các NHTM Nhà nước. Rồi lợi thế về thương hiệu, mạng lưới cũng khiến chi phí huy động vốn của các NHTM Nhà nước thấp hơn nhiều so với các NHTMCP. Bởi vậy, lẽ đương nhiên, lãi suất bình quân đầu vào tại các NHTMCP còn cao hơn nhiều con số 10%/năm.

Lãi biên là bao nhiêu

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, để tính lãi biên cần cộng các yếu tố như chi phí dự trữ bắt buộc, dự phòng thanh toán, xử lý rủi ro… Một chuyên gia ngân hàng tính toán, hiện huy động 100 đồng, các NHTM phải trích dự trữ bắt buộc 3 đồng (3%). Và giả sử các NHTM dự phòng thanh toán khoảng 7 đồng thì chỉ còn lại 90 đồng để cho vay.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, các NHTM phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi 0,15% trên mỗi đồng vốn huy động được. Và theo quy định tại Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro chung 0,75% cho mỗi món vay ra. Đó là chưa kể chi phí quản lý, hoạt động, khấu hao tài sản cố định… Tất nhiên, mức chi phí này tại từng ngân hàng là rất khác nhau. Tạm tính tất cả những chi phí này được tính vào giá vốn khoảng 1%.

Như vậy với lãi suất huy động 9%/năm, các NHTM phải cho vay ra với lãi suất bình quân 9%: 90% + 0,75% + 0,15% + 1% = 11,9%/năm mới đủ hòa vốn. Song do giá vốn bình quân đầu vào khoảng 10%/năm, nên các NHTM phải cho vay ra với lãi suất bình quân 13%/năm mới đủ hòa vốn. Đó là chưa kể, hiện nợ xấu tăng cao buộc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, đẩy chi phí hoạt động tăng theo.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng phải đảm bảo kinh doanh an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Theo các chuyên gia, hiện tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam chỉ vào khoảng 10 – 11%, trên tổng tài sản (ROA) chỉ vào khoảng 0,8-0,9%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Giả sử trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng chỉ kỳ vọng đạt 70% mức tỷ suất lợi nhuận như các năm trước; thì với tỷ trọng dư nợ tín dụng bình quân vào khoảng 50% tổng tài sản như hiện nay, lãi suất cho vay bình quân cũng phải cộng thêm 1,1 – 1,3% bởi hiện tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng.

Thế nhưng, hiện các NHTM cũng đã và đang triển khai rất nhiều gói tín dụng với lãi suất chỉ vào khoảng 11-12%/năm, cũng như đang tích cực giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Có nghĩa các NHTM đang chấp nhận hòa, thậm chí là lỗ trong các khoản vay này để chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Có thể các ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí hòa hoặc lỗ, nhưng cái được là họ sẽ có nhiều doanh nghiệp và khách hàng tin tưởng hơn, cùng đồng hành với họ trong quá trình kinh doanh sau này.

(Nguồn: http://www.thitruongtaichinh.vn)