Lãi suất giảm, chi phí tài chính giảm là nguyên nhân nhưng đây cũng là lý do khiến nhiều đơn vị dựa vào lợi nhuận tiền gửi ngân hàng thiệt thòi. Đúng là kẻ khóc người cười.
Lợi nhuận tăng nhờ lãi suất giảm
Công ty CP Cao Su Sao Vàng (SRC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2013 với lợi nhuận tăng đột biến, thêm gần 8 tỷ đồng, tương đương tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh doanh thu bán hàng giảm gần 25 tỷ đồng.
Giải thích cho kết quả này, SRC cho biết, cho dù doanh thu giảm nhưng giá vốn lại giảm khá mạnh nhờ giá vật tư đầu và chi phí vay ngân hàng giảm khiến lợi nhuận tăng lên.
CTCP Bao bì Dầu thực vật (VPK) cũng công bố lợi nhuận sau thuế quý II tăng 18,5% so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng tăng 10% lên 26,3 tỷ đồng. Với kết quả này, VPK đã vượt kế hoạch lợi nhuận đại hội giao phó chỉ sau 6 tháng đầu năm.
Lý do được VPK đưa ra là giá đầu vào ổn định, trong khi giá bán đầu ra tăng và nhờ chi phí tài chính giảm hơn 54% nhờ tỷ giá ổn định và lãi suất vay giảm. Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng bất chấp chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán tăng khá mạnh.
CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) thậm chí còn bất ngờ thông báo lãi lớn trong quý II/2013 giúp cân bằng được với khoản lỗ nặng trong quý liền trước. Trong quý II VIT báo lãi lên tới 10 tỷ đồng, so với mức lỗ gần như vậy trong quý I và mức lỗ 22,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giúp quý này VIT có lãi lớn là do chi phí tài chính và chi phí bán hàng đồng thời giảm 34% và 74% giúp lợi nhuận thuần tăng gấp gần 6 lần.
Công ty cổ phần Mirae (KMR) vừa bất ngờ công bố lãi trong quý II sau khi lỗ trong nhiều quý liền trước. Với khoản lợi nhuận sau thuế 6,8 tỷ đồng, tính chung trong 6 tháng KMR đã lãi hơn 2 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng giống như với các trường hợp trên là do giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn so với mức giảm của doanh thu. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí tài chính giảm.
Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh niêm yết trên sàn chứng khoán báo cáo lợi nhuận tăng so với các quý trước nhờ chi phí giảm, trong đó nổi bật là chi phí lãi suất vay ngân hàng giảm. Có thể điểm một số cái tên như: HNM (chi phí lãi vay giảm 18% so cùng kỳ), CLC (-65% so cùng kỳ), PVS (-31%), VCC (-46%), SBA (-57%)…
Với chi phí lãi vay giảm, đa phần các doanh nghiệp nói trên chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh như trong trường hợp CTCP Sông Ba (SBA) có lợi nhuận sau thuế quý II/2013 tăng 55% so với cùng kỳ lên 7,8 tỷ đồng, bất chấp doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm 30%.
Khóc vì lãi suất giảm
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn với lãi suất thấp dần thì nhiều doanh nghiệp lại chứng kiến lợi nhuận quý II tụt giảm vì lợi nhuận thì tiền gửi ngân hàng suy giảm.
Tình trạng này rõ nét nhất có lẽ là ở các “ông vua tiền mặt” và khối các công ty chứng khoán (CTCK).
Trong báo cáo tài chính quý II vừa được công bố, CTCK Morgan Stanley Hướng Việt (MSG) cho biết, đơn vị này đang gửi ngân hàng hơn 350 tỷ đồng, chiếm tới 98% tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh trong thời gian vừa qua đã khiến lợi nhuận của MSG chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1,4 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm rước. Lũy kế cũng chỉ được 4,7 tỷ đồng, giảm 48%.
Khá nhiều CTCK khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự với lợi nhuận suy giảm do môi giới đóng một tỷ trọng nhất nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận, trong khi tự doanh không thực sự còn được coi là trọng tâm kinh doanh nữa. Rất nhiều CTCK thua lỗ do không có vốn, doanh thu thấp. Với các CTCK nhiều tiền mặt thì không còn lãi nhiều từ tiền gửi ngân hàng.
Rất nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào bị ảnh hưởng do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm như trường hợp CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT). Cho dù vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận tính trên cổ phiếu (EPS) đang ở mức cao nhất trên thị trường với hơn 14.000 đồng/cp trong 6 tháng đầu năm nhưng TCT đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý II.
Lợi nhuận sau thuế quý II của TCT chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ mà nguyên nhân là giá vốn hoạt động vận chuyển tăng mạnh và doanh thu tài chính sụt giảm (chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, so với 6,6 tỷ đồng cùng kỳ bởi lãi tiền gửi giảm).
Hàng loạt các “ông vua tiền mặt” khác trên sàn có lẽ cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tiền gửi thấp như BMP, KLS, TAC, VCF, VNM, DPM, GAS, TRC, HGM, DPR…
Có thể thấy, hiện tượng chi phí tài chính giảm ở rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm vay vốn nhiều, đã trở lên rất phổ biến trong quý II/2013. Đây là một dấu hiệu cho thấy tác động của việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cả mới lẫn cũ đang có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc duy trì được tỷ giá ở mức khá ổn định như trong 6 tháng đầu năm đã khiến các doanh nghiệp hưởng lợi rất nhiều.
Cùng với lạm phát được giữ ổn định, nền kinh tế đang có những điểm sáng nhất định sau một thời gian dài xám xịt. Các doanh nghiệp có lẽ sẽ dễ thở hơn nhiều so với thời gian trước.
Tuy vậy, hiện tượng giá cả nhiều mặt hàng chủ chốt tăng mạnh trong thời gian gần đây, cùng với hiện tượng đình đốn, tồn kho vẫn và hiện tượng doanh thu của đa phần các doanh nghiệp suy giảm đang cho thấy một góc tối của nền kinh tế.
HUẤN TÚ
Nguồn DĐKT