CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
BÀI 21 : LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN 2025
Việc lập một kế hoạch tài chính, đặc biệt là trong đầu tư sẽ giúp bạn có một bức tranh tổng thể về các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thông qua đó, bạn sẽ có thể chủ động ứng phó với các kịch bản từ tiêu cực đến lạc quan và đạt được thành công. Chúng ta hãy thực hiện các bước sau cho việc lập Kế hoạch tài chính cho năm 2025.
Bước 1: Phân tích tình hình tài chính và xác định các mục tiêu tài chính
Việc phân tích tình hình tài chính xác lập được vị trí hiện tại của bản thân và gia đình bạn, biết mình đang ở đâu và có những mục tiêu nào cần hướng đến. Cần xem xét mục tiêu cho bản thân và những người phụ thuộc về tài chính để có hướng đầu tư phù hợp. Ví dụ nếu có các mục tiêu tài chính ngắn hạn thì cần phân bổ một phần vốn vào các kênh đầu tư có thể bảo toàn vốn, khi cần có thể thanh khoản tốt để đáp ứng các mục tiêu này. Với các mục tiêu dài hạn thì sản phẩm đầu tư phù hợp sẽ đa dạng hơn.
Cần đánh giá thu nhập và chi tiêu để có kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý hơn, thu nhập có tiềm năng tăng trưởng ra sao, thu nhập có đều đặn hay không, thặng dư ở mức nào, có phù hợp với việc sử dụng đòn bẩy tài chính hay không. Bên cạnh đó, bạn cần đánh giá về khẩu vị rủi ro cùng với kiến thức, kinh nghiệm đầu tư để có thể chọn lựa sản phẩm đầu tư cho phù hợp.
Bước 2: Thực hiện bảo vệ an toàn tài chính
Đây là bước quan trọng trong tài chính cá nhân, nhằm đảm bảo cho bản thân và gia đình bạn không bị thiệt hại kép khi có rủi ro bất ngờ xảy ra. Bạn cần xây dựng quỹ dự phòng để bù đắp, chi trả cho khoản thiếu hụt thu nhập tạm thời, hoặc chi trả cho những khoản chi tiêu đột xuất, khẩn cấp. Bảo hiểm đóng vai trò là tấm lá chắn bảo vệ tài sản cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn. Nó cung cấp tài chính cho những trường hợp có mức độ ảnh hưởng lớn như mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn hay tử vong.
Bước 3: Lựa chọn sản phẩm đầu tư
Cần xem xét nhiều yếu tố để có thể quyết định lựa chọn sản phẩm đầu tư thích hợp:
* Sản phẩm tài chính, đầu tư nào đang được chu kì kinh tế ủng hộ ?
* Tình hình nhân khẩu học tài chính phù hợp với sản phẩm tài chính đầu tư nào ?
* Lợi nhuận kì vọng bao nhiêu, Khả năng chấp nhận rủi ro ở mức nào, Thái độ đối với rủi ro ra sao … Các yếu tố này có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sản phẩm tài chính đầu tư.
* Từng cá nhân, gia đình lại có sở thích, mong muốn riêng trong đầu tư : có thể là rất thích sản phẩm nay, không thích sản phẩm kia, do vậy sẽ thêm một lớp lọc.
* Vốn đầu tư sẽ dành một phần cho quỹ dự phòng. Sau đó, dựa trên các mục tiêu tài chính ngắn, trung và dài hạn để phân bổ vốn đầu tư.
Gia đình trẻ nên hướng tới việc đầu tư tăng trưởng. Trong đó dành tỉ trọng lớn cho sản phẩm đầu tư có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao, đồng thời với việc có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn khi đầu tư.
Gia đình ở lứa tuổi trung niên, thu nhập giảm dần sẽ hướng đến các khoản đầu tư có khả năng tạo dòng tiền, hạ dần tỉ trọng sản phẩm đầu tư có mức biến động lợi nhuận cao, hướng đến đầu tư an toàn.
Cần đa dạng sản phẩm đầu tư để đảm bảo tính thanh khoản, danh mục đầu tư mang lại hiệu quả tốt và có sẵn các phương án quản trị rủi ro. Sau khi đã lên kế hoạch tài chính, việc lựa chọn một danh mục đầu tư tương thích với các mục tiêu tài chính sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả đầu tư cao hơn.
Nguồn : Trần Thị Mai Hân – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT