Xưa thật là xưa, 8500 năm trước công nguyên ở Trung Á, kế toán đã xuất hiện qua việc ghi nhận hóa đơn bán hàng hóa như bánh mỳ, dê, quần áo…. Những bản ghi này được các nhà khảo cổ phát hiện qua những hóa thạch đất sét. Như vậy, một trong những chức năng quan trọng của kế toán là ghi nhận thông tin đã được những người cổ đại phát minh từ rất lâu.
Trải qua một quá trình khá dài đến tận năm 1494, nhà toán học Luca Pacioli, ông được xem là cha đẻ của kế toán, đã giới thiệu chính thức về hệ thống kế toán kép trong cuốn Summa de Arithmetica, Geimetrica, Proportioni et Proportionalita. Kế toán kép tức là các giao dịch phát sinh được ghi vào bên nợ (debit) và bên có (credit). Việc ghi cùng lúc nợ/ có là một nguyên tắc cơ bản giúp cho kế toán không bị lệch số và dễ phát hiện ra hạch toán sai. Kể từ đây, ngành kế toán đã phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, việc phát triển kế toán cho mỗi quốc gia riêng biệt đã tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia. Một con bò có thể xem là tài sản ở quốc gia A nhưng đối với quốc gia B, nó chỉ được xem là công cụ. Sự khác biệt về nhận thức giữa A và B làm cho báo cáo kế toán của A không đồng thời được nhìn nhận như quốc gia B. Ví dụ dễ hiểu là Pháp sử dụng thước đo khối lượng là kilogram trong khi Mỹ là pound, hoặc Pháp do chiều dài là kilomet trong khi Mỹ là dặm (miles). Các nhà kế toán đã ngồi lại với nhau để soạn ra những quy ước, quy định chung về kế toán gọi là nguyên tắc chung, chuẩn mực kế toán quốc tế. Những quy định chung này giúp cho một nhà đầu tư ở Đức có thể đọc, hiểu báo cáo tài chính được lập tại Anh hay ngược lại. Đồng thời, công ty ở Sing có báo cáo tài chính lập theo chuẩn quốc tế có thể niêm yết trên sàn chứng khoán của Anh để huy động vốn.
Từ những năm 1950, cùng với việc phát triển của các mô hình quản trị, kế toán quản trị đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Từ vai trò thụ động như theo dõi, kiểm soát chi phí, kế toán đã chuyển qua vai trò chủ động hơn trong việc dự báo, trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như mỗi doanh nghiệp đều có “giá trị” riêng, vậy khi chào bán cổ phần thì giá là bao nhiêu là đúng ? Kế toán sẽ tham gia vào quá trình định giá doanh nghiệp bằng các mô hình định giá tài chính đã được các định chế tài chính công nhận.
Kế toán Việt Nam ở đâu trên bản đồ kế toán thế giới ?
Sau năm 1975, Thầy sao thì ta sẽ như thế, Việt Nam áp dụng hệ thống kế toán của Liên Xô trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Trong thời kỳ này, kế toán chỉ là công cụ phản ảnh thụ động tình hình hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao.
Kể từ năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới. Việt Nam bắt đầu tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế bằng việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp (Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995).
Đến năm 2003, VIệt Nam đã có Luật kế toán và đồng thời, Bộ Tài chính công bố 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế từ năm 2000 đến 2005; ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp mới phù hợp với Luật Kế toán và các Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, Luật kế toán đã nhắc đến khái niệm kế toán quản trị.
Như vậy, có thể thể nói kế toán chính là hơi thở, phản ảnh toàn bộ biến động của doanh nghiệp. Kế toán ở Mỹ, Anh đã phát triển vượt bật và ở đẳng cấp cao nhất trên thế giới bởi họ đủ khả năng phản ảnh tình hình kinh tế ở các quốc gia này trên các sàn chứng khoán với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Phan Thanh Nam
MA-CIMA Advanced
Tài liệu tham khảo:
Một số bài viết trên internet.