Kết quả kiểm toán cho thấy các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ…
Dẫn dầu về lỗ vẫn là tập đoàn Xăng dầu Việt Nam(Petrolimex) với 1.671 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước vừa được hoàn thành vào tháng 5/2013 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều con số đáng lo ngại từ khu vực này.
Cho biết có 23/27 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh vẫn có lãi, tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng một số đơn vị tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%.
4 doanh nghiệp còn lại và một số công ty con thuộc các tập đoàn, tổng công ty này thua lỗ. Kết quả kinh doanh của không ít đơn vị giảm mạnh.
Dẫn đầu về lỗ vẫn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 1.671 tỷ đồng. Các tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) lỗ 137,9 tỷ đồng; Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 19,83 tỷ đồng; Xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty mẹ – Tổng công ty Thành An lỗ 1,68 tỷ đồng. 3/21 công ty con thuộc Vinaconex, 3/7 công ty con thuộc Pisico được kiểm toán thua lỗ, tuy nhiên không có con số cụ thể tại báo cáo.
Lợi nhuận sau thuế của Vinaconex giảm 321 tỷ đồng, PVC 589 tỷ đồng, Vinafood2 113 tỷ đồng và Habeco lợi nhuận trước thuế bằng 0,86% năm trước.
Các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế/nguồn vốn chủ sở hữu dưới 5% được điểm danh gồm các tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 4,51%; Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) 4,27%; Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) 3,53%; Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 2,57%; Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vinacco) 2,17%…
Kết quả kiểm toán tại 27 “ông lớn” cũng đã điều chỉnh giảm tổng tài sản – nguồn vốn 1.477 tỷ đồng, tổng doanh thu – thu nhập thuần 1.015 tỷ đồng, tổng chi phí 2.347 tỷ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế 1.305 tỷ đồng.
Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31/12/2011 là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%.
Đáng lưu ý là, một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn, nợ xấu cao; ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn…
Như, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp 40%, Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện 4 thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) 59,8%, Công ty Cổ phần Xây lắp Công trình Tây Nguyên 31,2%, Công ty Cổ phần Cẩm Hà 31%…
Hay, nợ phải thu quá hạn trên 6 tháng của Vinafor là 64,16 tỷ đồng, trên 1 năm của công ty mẹ – PVC 36 tỷ đồng; Cienco8: Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông Việt Lào nợ quá hạn 44,08 tỷ đồng, chiếm 43,8% nợ phải thu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 874 là 25,81 tỷ đồng, chiếm 23,7%…
Rồi ở Vinafood 1, một số công ty ứng trước 90% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng. Vinafood 2 ứng trước 80%-90% giá trị hợp đồng nhưng chưa ban hành quy chế về ứng vốn cho người bán hàng.
Báo cáo cũng cho biết, tổng các khoản đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31/12/2011 là 25.750 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào các công ty con và các công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt là các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ, báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, PVC đầu tư vào công ty liên kết PVC- SG lỗ 85,8 tỷ đồng; PVC-Land lỗ 66,4 tỷ đồng. Công ty Sopewaco lỗ 48,5 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31/12/2011 là 1.090 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng. Công ty mẹ – Habeco đầu tư vào các doanh nghiệp khác năm 2011 lỗ 195,42 tỷ đồng. Công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn các khoản đầu tư tài chính dài hạn tổn thất phải trích lập dự phòng là 162,3 tỷ đồng, bằng 13,64% giá trị đầu tư. Vinafood 2 đầu tư lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả còn Vinafood 1 thì công ty mẹ tỷ lệ cổ tức được chia trên vốn góp tại các công ty con chỉ đạt 5,31%.
Với chứng khoán, công ty mẹ – Vinafood 1 đầu tư 118,53 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 42,23 tỷ đồng; Công ty mẹ – Vinachem góp vốn vào Công ty Cổ phần Chứng khoán VICS 22 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng và mua cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh 16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng. Công ty mẹ – Tổng công ty Bến Thành và Công ty Văn hóa tổng hợp Bến Thành lỗ kinh doanh chứng khoán ngắn hạn. Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn phải trích lập dự phòng 8,057 tỷ đồng cho các đầu tư chứng khoán bị tổn thất, bằng 52,45% giá trị đầu tư.
Rồi Vinafood 2 đầu tư chứng khoán của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 47,7 tỷ đồng và mua cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) 52,57 tỷ đồng, giá niêm yết còn 16,64 tỷ đồng…
Kết quả kiểm toán cũng cho biết, tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31/12/2011 là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng, cơ quan kiểm toán nhận xét.
Các con số được dẫn để minh chứng về nợ phải trả/tổng nguồn vốn của VEC là 97,9%; Vinaincon là 91%, Cienco4 89,3%; Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 85,6%; Vinaconex là 81,7%, Vinafood 1 là 68%; PVC là 67%; Vinafood 2 là 65%…
Nguyễn Lê
Nguồn VnConomy