Lối thoát nào cho thuê mua tài chính?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 25/01/2013 - 3873 lượt xem.

Có thời điểm giữa năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính trên địa bàn lên đến trên 50%, thậm chí có doanh nghiệp còn mất đứt vốn trong hoạt động kinh doanh.

Dư nợ cho thuê tài chính của các công ty tài chính trong nước (TP. Hồ Chí Minh) tăng trưởng âm năm 2012 cộng với các sự cố sử dụng vốn dẫn đến mất tài sản, “mất cả người” những năm qua cho thấy, đã đến lúc cần nhìn lại về mô hình này trên thị trường tài chính.

Hiện nguồn vốn hoạt động của các công ty cho thuê tài chính chủ yếu đi vay từ ngân hàng mẹ, trong khi đó tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động ở mức trên 100%. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, “có thời điểm giữa năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính trên địa bàn lên đến trên 50%, thậm chí có doanh nghiệp (DN) còn mất đứt vốn trong hoạt động kinh doanh”.

Theo số liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước thành phố, dư nợ cho thuê tài chính năm 2008 tăng 33,96%, sau đó bắt đầu tụt dốc năm 2009 còn 11,91%, năm 2010 tăng được 11,34%, năm 2011 tăng 9,54%, năm 2012 âm. Đến nay thị trường cho thuê tài chính Việt Nam vẫn còn nhỏ hẹp, khách hàng DN tiếp cận nguồn vốn của công ty tài chính chủ yếu là những công ty sử dụng máy thi công, máy dệt may, tàu biển… thiết bị không phổ biến.

Dịch vụ cho thuê tài chính đã phát triển từ thập niên 1990 ở các nước trên thế giới, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn giảm bớt gánh nặng tín dụng lên hệ thống ngân hàng. Song thị phần của các công ty tài chính rất nhỏ, tổng dư nợ cho thuê tài chính ở TP. Hồ Chí Minh chỉ chiếm 3-4% tổng dư nợ trung, dài hạn trên tổng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tiềm lực tài chính của các công ty tài chính trong nước rất hạn chế, dịch vụ nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Bởi vậy, lĩnh vực này sẽ không thể tăng trưởng cao nếu không tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro và nâng cao chất lượng dịch vụ.

ThS. Lê Thi cho biết, các công ty tài chính phải nghiên cứu thị trường cho thuê tài chính chi tiết, khi đó mới có chính sách giá và phí dịch vụ hợp lý, đồng thời phải nâng cao năng lực quản trị hoạt động hiệu quả.

Điều quan trọng, mỗi công ty phải tăng cường nguồn vốn theo hướng cơ cấu nguồn vốn giữa vốn tự có với vốn huy động, giữa kỳ hạn huy động vốn và kỳ hạn đầu tư mới có thể sử dụng vốn hiệu quả. Bản thân mỗi công ty phải tăng nguồn vốn huy động theo hướng tự chủ, không nên phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn vốn nhất định.

Bên cạnh đó cần xây dựng một chính sách cho phép các công ty tài chính được bán các khoản phải thu từ các hợp đồng cho thuê tài chính, điều này quốc tế đã sử dụng khá phổ biến đối với các khoản nợ nói chung. Nhưng nghiệp vụ này cũng cần có liên kết với các tổ chức quốc tế để đưa ra một cơ chế hoàn chỉnh khi áp dụng đối với các công ty tài chính trong nước.

Khi đó các công ty sẽ chủ động nguồn vốn và dự báo tốt được nhu cầu thị trường khi đã có trao đổi thông tin mang tính liên kết chuỗi giữa thị trường cho thuê mua tài chính trong và ngoài nước. Đồng thời nâng cao năng lực nhân sự trong các công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cung cấp ngày càng cao và đa dạng. Từ đó sẽ hạn chế tình trạng “mất người” trong hoạt động kinh doanh cho thuê tài chính như những năm qua.

Theo Thời báo Ngân hàng