Luật Lao động 2019 – Những thay đổi cần lưu ý

Đăng bởi: Phạm Hằng - Thursday 12/12/2019 - 4101 lượt xem.

Bộ luật Lao động mới nhất sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, sẽ thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành. So với Bộ Luật lao động (BLLĐ) hiện hành số 10/2012/QH13, Bộ Luật mới có rất nhiều thay đổi đáng chú ý.

Đầu tiên là quy định “người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động”. Điều này có nghĩa là các công ty, doanh nghiệp không được thu phí tuyển dụng dưới mọi hình thức (Điều 11 Bộ luật Lao động).

Thứ hai, giao kết giữa người sử dụng lao động & người lao động không nhất thiết phải là “Hợp đồng lao động” mà có thể thỏa thuận ký hợp đồng theo tên gọi khác, miễn sao trong hợp đồng thể hiện đầy đủ các nội dung về việc làm có trả lương, sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. (Điều 13 Bộ luật Lao động)

Thứ ba, chỉ còn 2 loại hợp đồng “xác định thời hạn” và “không xác định thời hạn” (Điều 20 Bộ luật Lao động)

Thứ tư, về hình thức hợp đồng, có thể ký hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Đối với hình thức giao kết bằng lời nói, nay chỉ còn cho phép đối với hợp đồng dưới 1 tháng (Điều 14 Bộ luật Lao động)

Thứ năm, tăng thời gian thử việc tối đa lên 180 ngày (trước đó chỉ 60 ngày) đối với các chức danh quản lý doanh nghiệp (Điều 25 Bộ luật Lao động).

Thứ sáu, cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng (thôi việc) mà không cần lý do trong các trường hợp:

– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
– Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài các trường hợp trên, NLĐ cần tuân thủ đúng thời hạn báo trước: 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn. (Điều 35 Bộ luật Lao động)

Thứ bảy, tăng tuổi nghỉ hưu. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 60 lên 60 tuổi 3 tháng (đối với lao động nam) và từ 55 lên 55 tuổi 4 tháng (đối với lao động nữ), và sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng (đối với lao động nam) và 4 tháng (đối với lao động nữ). Đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 62 và đến 2035 tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ là 60 (Điều 169 Bộ luật Lao động)

Thứ tám, tăng thêm 01 ngày nghỉ Quốc khánh được hưởng nguyên lương, có thể là ngày 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm (Điều 112 Bộ luật Lao động)

Thứ chín, tăng thời giờ làm thêm lên 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ như trước đây (Điều 107 Bộ luật Lao động)

Thứ mười, bổ sung thêm 01 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương: cha nuôi, mẹ nuôi chết, NLĐ cũng được nghỉ 03 ngày như trường hợp bố đẻ, mẹ đẻ hay bố/mẹ chồng, bố/mẹ vợ chết. (Điều 115 Bộ luật Lao động)
Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012.

Bộ Luật đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018); Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015.
Xem chi tiết Bộ Luật Lao động 2019: tại đây