M&A Việt Nam 2013: Kỳ vọng thị trường tăng trưởng vượt bậc cuối năm

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 09/08/2013 - 5603 lượt xem.

Theo ông John Ditty – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, thông thường vào nửa cuối năm, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tăng trưởng mạnh hơn, tích cực hơn do có nhiều thương vụ kết thúc. 


Diễn đàn thường niên về M&A 2013 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD”
 

Vì vậy, mặc dù 6 tháng đầu năm 2013, số lượng và giá trị M&A trên thị trường VN đang giảm sút nhưng có khả năng vào cuối năm nay, số lượng và giá trị các thương vụ sẽ tăng trưởng mạnh và có thể đạt tới tương đương năm trước… 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên về M&A 2013 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD” do báo Đầu tư và Cty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra ngày 8/8 tại Tp HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh trong quá trình thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát bền vững, M&A không chỉ là một kênh đầu tư thuần túy, mà trở thành giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.  

Trong 5 năm qua, giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng gần 5 lần và đạt xấp xỉ 5 tỷ USD vào năm 2012. Năm 2013 cũng đang chứng kiến nhiều thương vụ M&A quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất, công nghiệp đến dịch vụ. Tuy nhiên, cơ hội M&A rất lớn mà các rào cản khiến các doanh nghiệp có thể không tận dụng hết cơ hội này cũng rất nhiều. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt đầu có nhận thức khác đối với M&A, song không phải tất cả đều sẵn sàng thay đổi.  

Ông John Ditty cho biết khảo sát của KPMG ghi nhận tại Việt Nam, thời gian để kết thúc các giao dịch đã bắt đầu rút ngắn. 55% các thương vụ có thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm. 18% các thương vụ ít hơn 6 tháng và 18% các thương vụ từ 1 đến 2 năm, trong khi đó chỉ có 9% là kéo dài từ hai đến 3 năm.Dù vậy, thực hiện chi tiết giao dịch ở VN (hay các nước đang phát triển) vẫn là một quá trình kéo dài và đầy gian khó, trong đó, nguyên nhân được chỉ ra cơ bản không chỉ là do việc lập kế hoạch và sự chuẩn bị của bên bán chưa thỏa nguyện và tương đồng với nhu cầu của bên mua, mà còn do yếu tố khác.  

Trong lĩnh vực M&A bất động sản, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng đó là do việc định giá của doanh nghiệp bên bán còn quá cao. Cùng với đó, các trường hợp xin giấy phép sau khi deal kết thúc cũng khá khó khăn. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia và hầu hết các chuyên gia cũng đều cho rằng những khó khăn về thủ tục pháp lý, “việc chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về khung pháp lý M&A tại Việt Nam” như Thứ trưởng Đặng Huy Đông chia sẻ đã và đang  khiến các thương vụ M&A tại VN, bao gồm của inbound và outbound hoặc nội địa, dù đạt giá trị lớn và là điểm đến của các dòng vốn đầu tư, nhưng vẫn chưa thực sự như kỳ vọng. 

Dự báo về hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản, ông David Blackhall – Giám đốc điều hành VinaCapital Real Estate khẳng định thị trường Việt Nam rất tiềm năng. “Các DN Việt Nam đang có nhiều lợi thế để mua lại những tài sản đang hoạt động, tọa lạc ở vị trí đắc địa; nhìn chung nhiều Cty VN đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và hạn chế trong quản lý, dẫn đến hiện trạng VN đang bị định giá thấp và trở thành điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội mua lại các khu văn phòng cho thuê, khu trung tâm thương mại, còn hầu hết các nhà đầu tư trong nước tập trung vào mua bán các dự án nhà ở” – ông David Blackhall nói. 

Ở các lĩnh vực khác, theo ông Masataka “Sam” Yoshida – Giám đốc điều hành cấp cao RECOF- một tổ chức có trên 20 năm tư vấn M&A tại Nhật Bản – sức hấp dẫn của thị trường VN đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư trong khu vực sẽ ngày càng tăng. Dữ liệu M&A của RECOF cho thấy các công ty mục tiêu tại Việt Nam đối với các DN Nhật Bản tính theo ngành trong giai đoạn 2004-2013 tập trung chủ yếu vào công nghệ nhẹ và công nghiệp dịch vụ hơn là công nghiệp nặng. Và xu hướng lựa chọn nhóm ngành vẫn chưa dừng lại khi tiêu dùng, bao gồm thực phẩm đồ uống, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, thiết bị nhà ở, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, BĐS (bao gồm dịch vụ hôn nhân), dịch vụ đóng gói, tài chính tiêu dùng, truyền thông và marketing, giải trí và giáo dục; và cơ sở hạ tầng bao gồm vật tư xây dựng, kỹ thuật, cho thuê thiết bị thi công, viễn thông dịch vụ và công nghệ thông tin, vận tải…, sẽ là những lĩnh vực đang được đầu tư (hoặc kỳ vọng sẽ đầu tư trong tương lai gần) bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.  

Cuộc khảo sát mới đây tại Nhật Bản dành cho 514 công ty Nhật tham gia bỏ phiếu, được thực hiện bởi ngân hàng Nhật Bản cho thấy Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trong bảng các Cty mà DN Nhật sẵn sàng đầu tư, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Còn nếu tính từ từ năm 2004-2013, Nhật Bản hiện đã thực 80 thương vụ vào Việt Nam… 

Cùng với chủ đề “Nhìn lại 5 năm và cơ hội cho giai đoạn mới”, chuyên đề hội thảo tại diễn đàn M&A 2013 còn đề cập, thảo luận các chủ đề khác như “Cơ hội M&A trong lĩnh vực ngân hàng”; “Lựa chọn chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá”… Song song, Ban tổ chức đã trao kỉ niệm chương cho các thương vụ M&A tiêu biểu nhất và Tổ chức Tư vấn M&A tiêu biểu nhất Việt Nam trong năm 2012-2013 và 5 năm từ 2009 đến 2013; đồng thời dành không gian riêng cho chương trình kết nối đầu tư và giới thiệu doanh nghiệp, dự án. 

Diễn đàn M&A 2013 đã thu hút khoảng 500 đại biểu đã đến tham dự.  

Nguồn DĐDN