Mở cửa cho cá nhân tự vay vốn nước ngoài

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 20/03/2013 - 5731 lượt xem.

Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi được thông qua sáng nay cho phép cá nhân được tự vay vốn và tự chịu trách nhiệm trả nợ nước ngoài. Ngoài ra, quyền sử dụng ngoại tệ của người dân cũng được đảm bảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Dự thảo mới nhất có bổ sung, sửa đổi điều khoản người cư trú là cá nhân thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của Chính phủ.

Khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến hơn một tuần trước, vấn đề này nhận được hai luồng ý kiến trái chiều, trong đó không ít quan điểm cho rằng nên hạn chế vay vốn đối với cá nhân. Những luồng ý kiến ủng hộ cho rằng, việc cho phép cá nhân vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ nước ngoài là bảo đảm quyền chính đáng của người dân. Ngoài ra, việc này cũng góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế.

usddolahh460

Cá nhân chính thức được vay tiền nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà

Pháp lệnh Ngoại hối nhiều năm trước đã cho phép cá nhân vay vốn nước ngoài, nhưng chưa một lần được hướng dẫn thực hiện trong các văn bản pháp luật của cơ quan chức năng. Khi bắt đầu dự thảo sửa đổi pháp lệnh, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cho phép cá nhân vay, trả nợ nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ, địa vị pháp lý của cá nhân không đảm bảo có thể tính pháp lý thực hiện nghĩa vụ vay và trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài. Theo Ngân hàng Nhà nước, ngay cả việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay vốn ngắn hạn nước ngoài, cũng chưa được quản lý chặt chẽ, khiến dòng vốn ngắn hạn từ nước ngoài có thể được chuyển về Việt Nam không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chủ yếu để đầu cơ, hưởng chênh lệch lãi suất.

Đây chính là lý do Ngân hàng Nhà nước đề xuất rút cá nhân khỏi danh sách các đối tượng được vay vốn nước ngoài. Trong dự thảo công bố cuối năm ngoái, Điều 17 đã không còn đối tượng này. Tuy nhiên, đến dự thảo ngày 21/2/2013, các cá nhân lại có tên trong danh sách được vay vốn ngoại.

Trong báo cáo công bố sáng nay, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành việc không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này trong Khoản 2 Điều 17 – Khoản 11 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh.

Về việc chống đôla hóa, Pháp lệnh Ngoại hối lần này khẳng định không hạn chế quyền sử dụng ngoại tệ của các cá nhân. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế. Theo ông, việc này có thể tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hàng năm nên Pháp lệnh lần này sẽ không cấm.

Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi lần này cũng cấm việc niêm yết, báo giá, định giá bằng ngoại tệ đối với các hợp đồng giao dịch giữa những người cư trú với nhau. Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng nêu rõ, việc ký kết các hợp đồng giữa người Việt Nam với với Việt Nam – những người cư trú với nhau – bắt buộc phải bằng VNĐ. Cụ thể, Pháp lệnh quy định, việc báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của cá nhân, tổ chức không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù đồng tình với Pháp lệnh lần này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cải cách hành chínhđể tạo điều kiện cho người dân làm ăn và kinh doanh. “Sau Pháp lệnh này, đề nghị các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước phải cải cách đến mức cụ thể nhất có thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thêm.

Thanh Thanh Lan

 Nguồn Vnexpress