Một số hướng dẫn về bảo hiểm được giải đáp bởi BHXH Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Saturday 30/07/2016 - 6553 lượt xem.

1. Đóng BHXH từ 3 tháng trở lên có được hưởng chế độ thai sản?

Hỏi: Tôi dự kiến sinh con vào tháng 7/2016, đã đóng BHYT đầy đủ tại nơi làm việc. Khi sinh con, nếu tôi không sử dụng BHYT thì tôi có được hưởng chế độ thai sản sau sinh không?

Trả lời :

Căn cứ: Khoản 2, Khoản 3, Điều 31, Luật BHXH

Theo đó: điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ khi sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do bà không cung cấp hồ sơ nên BHXH Việt Nam không có căn cứ trả lời bà cụ thể, đề nghị bà đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bà đóng BHXH bắt buộc đủ theo quy định thì bà được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

2. Hưởng lương theo doanh số bán hàng được tính đóng thế nào?

Hỏi: Tôi làm việc cho một công ty, trong hợp đồng lao động có ghi tôi được hưởng lương doanh số căn cứ theo doanh số bán hàng trong tháng. Hệ số tính lương doanh số phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty theo từng thời kỳ. Vậy, mức lương tôi được hưởng như trên có tính để đóng BHXH không?

Trả lời :

Căn cứ: Khoản 1, Khoản 2, Điều 17,  Nghị định số 115/2015/NĐ-CP

Theo đó:  Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2016 là mức lương và phụ cấp lương; từ ngày 1/1/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ: Điều 90, Bộ luật Lao động, Điều 4, Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH

Theo đó: Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận, đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, công ty nơi bà Lan đang làm việc chỉ ghi lương theo doanh số căn cứ theo doanh số bán hàng trong tháng là chưa phù hợp. Do đó, bà kiến nghị Công ty ghi tiền lương trong hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, làm căn cứ đóng BHXH.

3. Có được tự chốt sổ BHXH khi công ty cũ nợ tiền BHXH?

Hỏi: Tôi làm kế toán và đóng BHXH tại 1 doanh nghiệp trong nước, trước đó tôi đã làm cho 1 doanh nghiệp A, có đóng BHXH đầy đủ. Nhưng đến thời điểm chốt sổ BHXH tại doanh nghiệp A thì không chốt được vì công ty đang nợ tiền BHXH. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục đóng BHXH tại công ty mới, nhưng tôi được biết có thông tin, nếu tôi không chốt được sổ BHXH ở doanh nghiệp A thì những doanh nghiệp sau này tôi làm việc cũng không chốt được sổ. Tôi có hỏi BHXH quận thì được trả lời, khi doanh nghiệp A thông báo phá sản thì tôi mới được tự chốt sổ. Vậy, trường hợp của tôi giải quyết như thế nào?

Trả lời :
Căn cứ:  Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP

Theo đó: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động
Trường hợp của bà Hà có thời gian làm việc tại công ty A, tuy nhiên do công ty còn nợ tiền đóng BHXH nên cơ quan BHXH chưa thực hiện chốt quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH cho bà Hà. Vì vậy, đề nghị bà Hà liên hệ và yêu cầu công ty A đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng cho bà Hà theo quy định để được chốt sổ và ghi quá trình tham gia BHXH, BHTN tại đơn vị mới.

Bài viết có chỉnh sửa câu trả lời nhưng vẫn đảm bảo nội dung chính.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử