Người lương cao né nghĩa vụ nộp thuế bằng cách gửi lương cho đồng nghiệp thu nhập thấp. Trong khi đó, một số cá nhân trộm mã số thuế của người khác để phân tán khoản thu của mình.
Chị Hoa đang công tác trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội . Kể từ khi ngành này khó khăn, lương của chị chỉ còn 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị đang nuôi một con nhỏ, vì vậy thu nhập trên 5,6 triệu đồng một tháng chị mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Biết được tình trạng của chị, một đồng nghiệp trong công ty có thu nhập lên tới 50 triệu đồng một tháng do nhận được hợp đồng làm thêm ngoài đã mang lương đến “gửi” chị để tránh phải nộp thuế ở bậc cao.
“Nếu họ không đem gửi lương thì sẽ phải mất tới chục triệu tiền thuế, còn khi gửi lương cho nhiều người thì thu nhập sẽ bị phân tán bớt, chỉ phải nộp thuế ở bậc thấp hơn. Nhiều người khác trong công ty cũng đang được anh này gửi gắm khoản thu nhập kếch xù hằng tháng”, chị Hoa cho hay.
Sắp tới đây, khi thu nhập từ 12,6 triệu đồng trở lên mới bắt đầu phải nộp thuế, chị dự đoán sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp gửi lương hàng tháng cho mình.
Nhiều chiêu để lách nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: SBA
Chị Vân nhà ở Gia Lâm chia sẻ, khi học đại học do tin bạn chị đã cho mượn chứng minh thư, đến khi đi làm công ty yêu cầu làm mã số thuế để trả lương chị mới tá hỏa khi phát hiện người bạn này đã lấy chứng minh thư của mình để đăng ký mã số thuế kê khai vào bảng lương doanh nghiệp do anh này làm chủ. “Khi đó, tôi rất lo là bỗng dưng mình phải nộp thuế ở cả 2 nơi”, chị Vân bức xúc.Bên cạnh trường hợp tự nguyện cho người khác dùng tên mình để lách thuế, cũng có những cá nhân bị trộm mã số thuế để kê khai, khấu trừ thuế mà không biết.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), thực tế có không ít trường hợp cá nhân đi đăng ký mã số thuế thu nhập mới phát hiện ra tên mình được kê khai đóng thuế ở tận Sơn La, Lai Châu. Mục đích của việc mượn danh, ăn cắp mã số thuế chính là để trốn thuế hoặc giảm số thuế thu nhập phải nộp, ông nhận định.
Ngoài ra, hiện có tình trạng kê khai chồng chéo người phụ thuộc để được tăng mức giảm trừ nhằm tránh nộp thuế. Ví dụ, nếu gia đình có vợ chồng làm ở hai địa bàn khác nhau sẽ có thể “ăn gian” khi cả vợ và chồng đều khai chung bố, mẹ hoặc con cái là người phụ thuộc.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Tạ Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quản lý mã số thuế dựa trên cơ chế quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế.
“Từ tháng 10/2012, hệ thống này đã được triển khai trên toàn quốc, tức cơ quan thuế có thể nắm được thu nhập của một mã số thuế trên toàn quốc. Do vậy, trường hợp một cá nhân mượn trộm mã số thuế để khai thuế ở đâu đó, khi tổng hợp nếu thu nhập đến ngưỡng phải nộp thêm thuế thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu người đó đến quyết toán phần nộp thêm, từ đó phát hiện ra mã số thuế được sử dụng tại đâu, do đơn vị chi trả thu nhập nào kê khai. Lúc này sẽ nảy sinh câu hỏi lý do gì mà đơn vị lại sử dụng mã số thuế đó để kê khai thuế, khấu trừ thuế”, bà Lan nói.
Vị này thông tin thêm, năm vừa qua ngành Thuế cũng phát hiện một số trường hợpchính đơn vị chi trả thu nhập lợi dụng mã số thuế của người khác để khai khống chi phí. Đơn vị đó sẽ bị truy thu thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến phần khai dối.
“Trên thực tế, sẽ không có cá nhân nào lại đi lấy mã số thuế của người khác để khai cho bản thân. Ví dụ như đi ký hợp đồng, tên mình ở hợp đồng thì không thể lấy mã số thuế của người khác, trong trường hợp này chỉ có thể là tổ chức chi trả lợi dụng”, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.
Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo các cá nhân nên có ý thức bảo vệ mã số thuế cá nhân đề phòng người khác lợi dụng. Hiện nay, chỉ cần vào trang tncnonline.com.vn, gõ số chứng minh thư hoặc hộ chiếu của bất kỳ ai cũng có thể biết được mã số thuế của người đó. Như vậy, nếu chẳng may bị rơi giấy tờ thì thông tin mã số thuế sẽ dễ dàng bị người khác biết được.
Với trường hợp các cá nhân cùng kê khai một người phụ thuộc, bà Lan cho biết từ 1/7/2013 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, cơ quan thuế sẽ tự động cấp mã số thuế cho người phụ thuộc. Khi đó, nếu cá nhân khác lại sử dụng người phụ thuộc đó thì hệ thống sẽ nắm được và từ chối.
Còn những vụ việc gửi lương như chị Hoa phản ánh, bà Lan nhận định rủi ro phần nhiều sẽ thuộc về người nộp thuế, tức người nhận gửi lương bởi họ không chịu thuế mà lại nhận hộ cho người khác. “Lúc này, thu nhập của họ chưa đến mức nộp thuế nhưng có thể cộng với nguồn thu nhập ở đâu đó bị đến ngưỡng, cơ quan thuế sẽ báo rằng phải nộp thuế thêm và cá nhân không thể cãi được vì cho người khác gửi”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cảnh báo.
Gần đây cũng nổi lên những cáo buộc các ca sĩ trốn thuế khi mà cát xê lên tới hàng trăm triệu đồng một show nhưng ngành Thuế tổng kết mỗi năm thì số thuế phải nộp của đối tượng này chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Lùm xùm ca sĩ cát xê cáo đóng thuế bèo. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Trong khi đó, theo một chuyên gia lĩnh vực Thuế, ngoài việc lên án các ca sĩ trốn thuế, cũng phải cảnh giác các bầu sô. “Có khi họ trả cát xê không đến mức đó đâu nhưng lại hét toáng lên như vậy. Nhiều khi có người bị oan”, vị này nói. Theo ông, cần phải kiểm soát thuế thu nhập của ca sĩ thông qua kiểm soát chi phí chính đơn vị biểu diễn, bởi họ hạch toán chi phí bao gồm tiền trả cho ca sĩ thì đây chính là phần thu nhập thực tế mà người ca sĩ có trách nhiệm đóng thuế.Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, sẽ phải lưu ý việc khấu trừ thuế tại nguồn, tức là đơn vị tổ chức biểu diễn. Chẳng hạn, một ca sĩ đến biểu diễn thì nơi tổ chức biểu diễn khi trả cát xê phải khấu trừ ngay 10% tiền thuế, sau đó cuối năm các ca sĩ đó sẽ làm quyết toán thuế để xem số thuế được hoàn hay nộp thêm.
Liên quan tới thu thuế từ trúng thưởng tại casino, hiện Luật quy định mỗi lần trúng thưởng trên 10 triệu đồng thì phải nộp thuế 10%. Song, Bộ Tài chính đánh giá thực tế việc xác định nguồn thu nhập này là khó thực hiện vì casino không ghi rõ người chơi lúc đến và đi, không bắt buộc phải đổi lại chip khi trúng thưởng, từ đó khó xác định chênh lệch giữa số tiền cá nhân chi ra và trả lại cho mỗi lần chơi.
Bởi vậy, cơ quan quản lý đã trình Chính phủ bổ sung quy định trường hợp casino không xác định được thu nhập chịu thuế của người trúng thưởng thì áp dụng khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ khoán trên tổng số tiền trả lại cho khách hàng. Hiện Bộ Tài chính đang khảo sát để quy định tỷ lệ thuế khoán với hoạt động vui chơi trúng thưởng, ông Phùng cho biết.
Huyền Thư
Nguồn Vnexpress.vn