Năm 2013, ngành học nào sẽ chịu phí cao?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 17/01/2013 - 15461 lượt xem.

  Theo đề án tự chủ thu học phí, nhiều ngành “hot” như tài chính, kinh tế, ngân hàng… sinh viên sẽ phải gánh học phí cao hơn.

Ngành “hot” như: tài chính, kinh tế, ngân  hàng… SV sẽ phải gánh học phí cao hơn

Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện tự chủ học phí, dự kiến áp dụng ngay trong năm học 2013-2014.

Theo Đề án trên, các trường ĐH-CĐ sẽ được phân chia thành 3 nhóm gồm: tự đảm bảo chi phí hoạt động, tự đảm bảo một phần và do nhà nước “bao” toàn bộ.

Cụ thể, nhóm 1 gồm 7 trường ĐH thuộc khối kinh tế, tài chính phải tự đảm bảo các chi phí hoạt động thường xuyên; nhóm 2 gồm 37 trường trong đó các trường sư phạm được ngân sách nhà nước đảm bảo từ 60 – 70% chi phí hoạt động thường xuyên; trường ĐH khối văn hoá-thể thao được từ 50 – 70% ; ĐH khối Nông-Lâm-Ngư từ 30 – 50% và khối công nghệ – kỹ thuật từ 20 – 40% hỗ trợ ngân sách Nhà nước. Nhóm còn lại gồm 7 trường thuộc khối hữu nghị, trường vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ.

Theo đó, những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hoá nhưng thuộc diện cần đào tạo như: Sư phạm, kỹ thuật, nông lâm ngư, nghệ thuật…, Nhà nước sẽ đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí dào tạo và có cơ chế sử dụng đầu ra. Ngược lại, đối với ngành có khả năng xã hội hoá cao như: kinh tế, tài chính ngân hàng, luật…sẽ giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách, cho phép trường tự xác định mức thu học phí từ sinh viên.

Sinh viên những ngành “hot” như tài chính, ngân hàng…sẽ phải gánh học phí cao hơn

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài Chính) phân tích: “Nhóm ngành tài chính, ngân hàng số lượng đào tạo đã dư thừa. Bộ GD- ĐT đã chủ trương không mở thêm ngành này nhưng các trường đào tạo cũ vẫn tuyển, xu hướng xã hội chưa định hướng được vẫn ào ạt đăng ký dự thi vào. Chính vì vậy, ngoài quản lý số lượng cần “ép” tự giảm dần chỉ tiêu bằng cách tăng học phí”.

Ông Giang ví dụ, nếu như trước đây học phí khối ngành này là 10 triệu, sinh viên đóng 4 triệu, Nhà nước hỗ trợ 6 triệu thì sau này, sinh viên khối ngành này sẽ phải đóng toàn bộ 10 triệu tiền học phí, 6 triệu kia sẽ được rút ra để hỗ trợ các ngành nông lâm, y dược, kỹ thuật và sư phạm. “Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên học các ngành hot hiện nay phải chấp nhận không được “trợ giá” về học phí trong tương lai”, ông Giang nhận định.

Với mức học phí này, nhiều ý kiến lo ngại “con nhà nghèo” sẽ rất khó có thể tiếp cận với các ngành “hot”.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, kiến nghị Bộ Tài Chính cũng cần tính toán làm thế nào để kiểm soát được việc tự thu học phí của các trường không được hỗ trợ ngân sách. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sinh viên theo học: “Cơ quan Nhà nước phải tăng cường giám sát. Đồng thời yêu cầu trường công khai tài chính một cách minh bạch để người học lựa chọn”, ông Nhạ nói.

 

Tuyết Mai
Nguồn khampha.vn