Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/người

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 16/11/2012 - 8239 lượt xem.
SGTT.VN – Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 9 triệu đồng/người/tháng, người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm áp dụng là 1.1.2013. Trong trường hợp chỉ số giá cả biến động trên 20%, Chính phủ sẽ đề xuất với Uỷ ban thường vụ Quốc hội để có sự điều chỉnh kịp thời.
Đó là những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình trong phiên thảo luận sáng 15.11.
Bốn năm, thu nhập của người làm công ăn lương giảm một nửa
 
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), từ khi triển khai luật thuế TNCN đến nay (ban hành năm 2007, đến năm 2009 mới thi hành), nền kinh tế của chúng ta biến đổi rất nhanh. Với mức lạm phát dự kiến năm 2012 vào khoảng 8%, trong bốn năm qua, lạm phát của chúng ta đã lên tới 44,38%, nghĩa là từ khi áp dụng luật này đến nay, thu nhập của người dân, nhất là những người làm công ăn lương đã giảm đi một nửa. “Đây là một vấn đề rất bức xúc, bức bách, nên phải điều chỉnh”, ông Kiêm nói.
Mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/người/tháng và 3,6 triệu đồng/người/tháng với người phụ thuộc theo đề xuất của Chính phủ, theo ông Kiêm là tương đối hợp lý, xét trên mấy khía cạnh: đủ để bù đắp “khiêm tốn” khó khăn của người làm công ăn lương bị trượt giá; tương đương với mức áp dụng thời điểm năm 2009 nếu trừ đi yếu tố giá cả. Mặt khác, dự thảo luật cũng để ngỏ khả năng Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể có những điều chỉnh trong trường hợp nền kinh tế có biến động, sẽ tránh được tình trạng những bất hợp lý để quá lâu mới được xem xét điều chỉnh như vừa qua.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, một số mục tiêu của chúng ta khi xây dựng luật này bị giảm sút, nhất là mục tiêu tập dượt, làm quen, tạo ý thức đóng góp nghĩa vụ thuế của mỗi người có thu nhập bị thu hẹp. “Đây là một bước thụt lùi của luật, thụt lùi, nhưng chúng ta vẫn phải làm”, ông Kiêm nói.
Để triển khai hiệu quả luật thuế TNCN, đại biểu đề nghị, Chính phủ phải tạo mọi biện pháp, đảm bảo chính sách an sinh xã hội; quản lý chặt chẽ khoản thu của người có thu nhập và phải tiếp tục rà soát giảm biên chế một cách thực chất, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) đồng tình với mức giảm trừ gia cảnh và giảm trừ cho người phụ thuộc như dự thảo luật, đồng thời đề nghị phải xem xét miễn, giảm thuế cho một số khoản thu nhập, nhất là những khoản liên quan đến chăm sóc sức khoẻ như phụ cấp cho người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, trường hợp phải nuôi dưỡng người bị bệnh hiểm nghèo. Ông Hải cũng đề nghị phải điều chỉnh biểu thuế luỹ tiến từng phần, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, trong đó mức thuế suất thuế TNCN cao nhất chỉ nên là 30%, để thu hút người có trình độ cao.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng chung đề xuất này. Theo ông, cần tính toán cụ thể tỷ trọng đóng góp thuế từ mức 35% là bao nhiêu. “Tôi thiết tha đề nghị, nếu bỏ mức thuế suất này mà không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, thì chúng ta nên bỏ, để tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực”, ông Lịch nói.
Đa số các đại biểu ủng hộ thời điểm thi hành luật Thuế TNCN là 1.1.2013. Đại biểu Lê Công Đình (Long An) đề nghị nếu cần thiết kéo dài thêm thời gian áp dụng đến 1.7.2013, để ngành thuế chuẩn bị thì nên kéo dài thời điểm miễn thuế TNCN đến hết 30.6.2013.
Bản chất là thuế thu nhập cao?
Tuy nhiên, một số đại biểu có quan điểm trái ngược cũng đưa ra những góc nhìn đáng chú ý.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) không đồng tình với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, với lý do sẽ thu hẹp đối tượng nộp thuế xuống còn 1 triệu đồng người. Theo đại biểu, mức giảm trừ gia cảnh/thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… Với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, chúng ta có 3,87 triệu người nộp thuế với mức nộp từ 50.000 – 150.000 đồng/người/tháng, trong khi từ năm 2013, cũng những người này được tăng lương tối thiểu với mức tăng từ 500.000 – 700.000 đồng/người/tháng. Ông cũng đề nghị rà soát lại tại sao có tới 3,2 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ có 194.000 trường hợp nộp thuế TNCN, như vậy khoản thất thu từ khu vực này không nhỏ.
Đồng tình với việc miễn thuế cho người sản xuất nông nghiệp, song đại biểu cũng cho rằng cần phải tính toán cụ thể cho hợp lý, bởi có những hộ sản xuất có thu nhập hàng tỉ, thậm chí nhiều tỉ đồng mỗi năm mà vẫn không phải đóng đồng thuế nào cả.
Chung góc nhìn này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) cho rằng, thuế TNCN đánh vào người có thu nhập, nhưng là để phục vụ mục đích chung của toàn xã hội, người nào thu nhập càng nhiều thì càng phải đóng góp nhiều. Nếu mức giảm trừ gia cảnh càng cao, nguồn thu càng giảm, nguồn chi phục vụ cho an sinh xã hội càng thấp. Sự thay đổi trong chính sách thuế TNCN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 4,4% dân số, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến một tỷ lệ lớn người nghèo và cận nghèo. Do vậy, dự thảo luật phải tính toán sao cho cân bằng giữa các nhóm đối tượng. Mặt khác, theo bà Hải, quá trình tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi luật Thuế TNCN đa phần thực hiện từ các bộ, ban ngành, các nhà khoa học, trong khi đối tượng nghèo chưa được quan tâm lấy ý kiến, do vậy nôi dung sửa đổi chưa chắc đã phù hợp với quan điểm, lợi ích của số đông. Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo trình bày thêm cơ sở khoa học trong quy định mức giảm trừ gia cảnh tương quan với các nước lân cận.
Đại biểu này cũng đề xuất, việc đánh thuế nên tính theo tổng thu nhập, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ trốn thuế, mặt khác, không đảm bảo công bằng cho người có thu nhập. Chẳng hạn, có khoản chịu thuế từ tiền công, tiền lương là dương, nhưng khoản thu nhập từ đầu tư chứng khoán lại âm mà giữa các khoản này khác nhau về kỳ tính thuế nên sẽ có tình trạng người thua lỗ trong hoạt động đầu tư vẫn phải nộp thuế.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng, chủ trương tăng dòng thuế trực thu, giảm dòng thuế gián thu, tạo công bằng xã hội như tinh thần xây dựng, triển khai luật thuế TNCN là đúng, song những điều kiện để thực thi luật thuế TNCN không đảm bảo, gây nên bức xúc lớn trong xã hội, nên việc giảm trừ là cần thiết. Theo ông, kinh nghiệm của thế giới, để áp dụng luật thuế TNCN phải đi kèm ba điều kiện: thu nhập bình quân theo đầu người; khả năng kiểm soát dòng thu nhập để tạo công bằng; phúc lợi xã hội, phúc lợi công cộng cao đầy đủ để người dân chỉ dùng thu nhập sau thuế để chi tiêu cá nhân; trong khi đó, với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế khó khăn nhưng lạm phát cao; chúng ta chỉ kiểm soát được thu nhập của người làm công ăn lương – phần không thể trốn đâu được, còn lại, đa phần là chưa được kiểm soát mà việc chỉ có chưa đầy 200.000 hộ kinh doanh cá thể trên tổng số 3,2 triệu hộ thuộc diện phải nộp thuế, có nộp thuế là một ví dụ; phúc lợi xã hội của chúng ta còn yếu nên ngoài chi tiêu cá nhân, thu nhập sau thuế của người nộp thuế còn phải chi trả cho hầu hết các nhu cầu khác như học hành, chăm sóc sức khoẻ… “Có thể nói, bản chất của luật Thuế TNCN là luật Thuế thu nhập cao. Nhưng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, dù tên gọi của luật là gì thì tôi cũng ủng hộ phần nội dung vừa đề nghị sửa đổi”, ông Lịch nói.
Thảo Nguyễn
Tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tăng lươngPhiên làm việc sáng 15.11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2013 là 519.836 tỉ đồng; tổng số chi 681.836 tỉ đồng bao gồm cả 193.595 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỉ đồng. Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013.

Phần kinh phí hỗ trợ, tập đoàn Dầu khí được hỗ trợ 1.600 tỉ đồng; tập đoàn Điện lực 1.238 tỉ đồng; tập đoàn Bưu chính viễn thông 25,2 tỉ đồng; tổng công ty Đường sắt 1.824,5 tỉ đồng, tổng công ty Hàng hải 17 tỉ đồng… Giao Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các khoản dự toán chi đầu tư phát triển giao cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp nhà nước.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả của các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; nợ của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả, bảo đảm tránh hệ luỵ trong trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ. Đồng thời, Chính phủ phải thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công.