Ngân hàng đi… gửi tiền

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 30/08/2012 - 4690 lượt xem.

 

Thử "lục" vào báo cáo tài chính của một số ngân hàng (NH) lớn hiện nay để tìm hiểu đường đi của vốn sẽ thấy một bức tranh rất chua chát. Đó là các NH, với chức năng cho vay nhưng thực tế, lại đi gửi tiền với số lượng lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến vốn không thể chảy vào sản xuất. 

Còn nhớ đầu tháng 6, tại phiên họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình công bố, đã bơm ra thị trường một lượng tiền "lớn khủng khiếp", lên tới 180.000 tỉ đồng. Trước đó trong tháng 2, NHNN cũng "bơm" 60.000 tỉ đồng cho nông nghiệp, nông thôn. Nhiều người không khỏi kinh ngạc và giật mình trước con số trên bởi bơm lúc nào, bơm vào đâu, lãi suất bao nhiêu, lượng tiền này "chảy" đến địa chỉ nào… hầu hết không ai biết.

 
 

Thị trường 2 được buông lỏng hoàn toàn

 

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Trong khi thị trường 1 (huy động vốn trong dân cư) bị quản lý rất chặt thì thị trường 2 (thị trường liên NH – nơi các NH vay vốn của nhau) lại được buông lỏng hoàn toàn. Dù có quy định về phân loại nợ theo nhóm giống như thị trường 1 nhưng không NH nào thực hiện, không hề có số liệu về nợ xấu từ chính các khoản vay của NH. NH có tiền, gửi vào NH thiếu thanh khoản. Tới hạn không trả được thì gia hạn, thực ra là đảo nợ. Nên nợ trên thị trường liên NH không chỉ lớn mà còn rất xấu. Con số nợ xấu mà NHNN công bố 202.000 tỉ đồng chỉ là nợ xấu của DN chứ chưa hề tính đến nợ xấu của NH. Đây chính là quả bom nổ chậm mà chúng ta cần phải minh bạch để tìm cách gỡ bom”.

 

 

Càng ngạc nhiên hơn khi tiền được bơm ra thì theo nguyên tắc, lãi suất sẽ phải giảm, sản xuất, kinh tế phải được kích hoạt. Nhưng thực tế cho thấy, cho đến tận lúc này, lãi suất vẫn cao, DN vẫn không tiếp cận được vốn, hàng tồn kho tăng cao, sản xuất đình đốn…

Vốn chạy lòng vòng trong hệ thống

Theo báo cáo tài chính quý 2/2012 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng là 105.746 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Á Châu là 56.568 tỉ đồng; Ngân hàng Quân đội là 36.627 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là 21.308 tỉ đồng….

Tiền gửi này không chỉ để đáp ứng thanh toán lẫn nhau mà còn cả tiền gửi có kỳ hạn dài. Điều này cho thấy, các NHTM lớn không nỗ lực đẩy tín dụng ra nền kinh tế mà chỉ chăm chăm mang tiền đi gửi ở các tổ chức tín dụng khác để kiếm lời. Cách gửi và cho vay kiểu này thường mang danh nghĩa cứu thanh khoản, hỗ trợ thanh khoản nhưng thực ra là để hưởng lãi suất cao. Có nghĩa là, vốn chạy từ NH này sang NH khác, từ NH thừa vốn sang NH thiếu vốn. Vốn chạy lòng vòng trong hệ thống NH chứ không hề chạy vào sản xuất, chạy vào nền kinh tế như mục tiêu của Chính phủ. Đó cũng là nguyên nhân của nghịch lý, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn âm dù tiền bơm ra “ngập” hệ thống như nói trên.

Con số trên cũng lý giải cho tình trạng các nhà băng kêu ứ vốn, không cho vay được nhưng lợi nhuận vẫn tốt. Nên nhớ, với khoảng 90% doanh thu, lợi nhuận có được từ tín dụng, nếu NH không cho vay được, lợi nhuận phải thấp, hoặc âm. Nhưng kết quả kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng thì ngược lại. Đó là nhờ "xiết" DN với lãi suất cao và như phân tích trên, họ còn tự "xiết" nhau trên thị trường liên NH (nơi các NH có thể vay vốn của nhau). Chẳng thế mà có lúc, lãi suất trên thị trường này “nóng hơn lửa” khi bị đẩy lên tới 30 – 35% trong năm 2011.

Câu hỏi là tiền gửi đó lấy từ đâu? Đó có phải là những NH được bơm vốn hay không? Nếu có, thì điều kiện, tiêu chí, giá trị tiền, lãi suất bao nhiêu? NHNN có giám sát số vốn bơm qua các NH xem thực sự chảy đi đâu hay không ? Dư luận cần một câu trả lời cụ thể, minh bạch.

Sao phải đi đường vòng ?

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, người sáng lập NH Việt đầu tiên ở Mỹ (First Vietnamese – American Bank) thị trường liên NH hiện nay hoàn toàn bị bỏ ngỏ, việc cho vay rất dễ dãi nên các NH cho vay lẫn nhau rất nhiều.

Ngân hàng đi... gửi tiền
Vốn gửi và cho vay của NH này với NH kia rất lớn – Ảnh: Ngọc Thắng

Theo thông lệ, NH trung ương sẽ trực tiếp bơm vốn xuống các NH hụt thanh khoản với những điều kiện cụ thể. Nhưng ở ta, việc này lại được thực hiện thông qua các NH trung gian. Các NH hụt thanh khoản, do không tiếp cận được vốn từ NHNN một cách công bằng đành phải chạy lên thị trường liên NH cầu cứu các NH có tiền và chấp nhận lãi suất cao. Tất nhiên, các NH có tiền, chẳng dại gì từ chối miếng ngon này. Nên mới dẫn đến nghịch lý, NH thay vì cho DN, người dân vay vốn đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì lại lao vào gửi tiền, cho vay tiền các tổ chức tín dụng khác kiếm lời. Thanh khoản tiếp tục thiếu hụt, các NH không có tiền trả cho nhau. Dẫn tới chuyện ngược đời, NH cho nhau vay vốn cũng đòi tài sản thế chấp. Trong khi nguyên tắc của thị trường này là hoạt động dựa trên chữ tín. Các NH vay/gửi qua đêm, gửi thời hạn ngắn để đáp ứng thanh khoản nhau đều dựa vào tín chấp, dưới sự giám sát của NHNN. Khi chữ tín trên hệ thống không còn, lãi suất "trục lợi" nhau càng cao. Bức tranh liên NH méo mó, NH mạnh sống trên cơ thể của NH yếu.

Tại sao NHNN không bơm vốn trực tiếp xuống các NH hụt thanh khoản mà lại đi đường vòng, bơm gián tiếp qua một NH khác? Bơm qua NH trung gian, đương nhiên phải có chênh lệch lãi suất, chênh lệch này là bao nhiêu? Trong khi nếu làm trực tiếp, NHNN có thể hạn chế nhiều vấn đề để giúp NH hụt thanh khoản tự chỉnh đốn mình. Đơn cử như hạn chế, thậm chí không cho tăng trưởng tín dụng mới, tiền thu về để trả nợ….

Việc thiếu minh bạch trong tái cấp vốn của NHNN là nguyên nhân chính khiến các NH không có động cơ bơm vốn ra nền kinh tế, gây rối loạn thị trường liên NH. Nếu không “vá” được lỗ rò này, vốn khó có thể chảy vào nền kinh tế và lãi suất cũng rất khó có đường để hạ theo mục tiêu của Chính phủ.

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)