Với xu thế hội nhập kinh tế – tài chính mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, tài chính doanh nghiệp trở thành một trong những ngành học đầy triển vọng. Vậy, bạn cần có những tố chất nào để có thể làm việc và phát triển trong ngành tài chính doanh nghiệp? Sinh viên tốt nghiệp ngành học này sẽ có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm nào trong tương lai? Cùng Webketoan tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Ngành tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp là một phân môn của ngành Tài chính, nghiên cứu về quá trình hình thành, sử dụng nguồn tài chính và quỹ tiền tệ của doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích sản xuất để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp đó. Đây được xem là một trong những ngành quan trọng đối với hệ thống tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Nhân viên tài chính doanh nghiệp làm những công việc gì?
Nhân viên tài chính doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các hoạt động kiểm soát sự chuyển động của dòng tiền nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, người làm trong lĩnh vực này sẽ phải tiến hành thao tác đọc và phân tích các bản báo cáo tài chính doanh nghiệp về các khoản thu lợi nhuận hoặc thua lỗ để có thể xây dựng bảng cân đối kế toán. Dựa vào đó, người quản lý tài chính sẽ thiết lập những đối sách sao cho phù hợp nhằm tìm cách giúp doanh nghiệp vượt qua được thời điểm khó khăn.
Học ngành tài chính doanh nghiệp ra trường làm gì?
- Quản lý bất động sản
Người quản lý bất động sản cần tiến hành đánh giá giá trị và tiến hành dự báo khả năng đầu tư của tài sản theo thời gian. Những người ở vị trí này thường không hoạt động độc lập mà sẽ cần phải phối hợp với các bộ phận tài chính khác để có thể đưa ra những quyết định tối ưu nhằm đảm bảo tài sản thương mại và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.
- Kế toán doanh nghiệp
Đây được xem là một vị trí có chức năng rất quan trọng khi chịu trách nhiệm theo dõi, cập nhật liên tục về tình hình tài chính của doanh nghiệp và đưa ra những bản báo cáo tài chính tổng hợp; đảm bảo các hoạt động tài chính tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, kế toán doanh nghiệp còn cần phối hợp với giám đốc điều hành để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.
Tham khảo các khóa học về ngành Kế toán tại Webketoan.edu: https://webketoan.edu.vn/courses
- Chuyên viên phân tích tài chính
Nhiệm vụ cơ bản của một chuyên viên phân tích tài chính là đưa ra những khuyến nghị kinh doanh cho các tổ chức/đơn vị/doanh nghiệp dựa trên những phân tích về xu hướng thị trường cũng như tình trạng tài chính hiện tại. Với khả năng đánh giá hiệu xuất cũng như tính phù hợp của các loại hàng hóa, tài sản, trái phiếu và các khoản đầu tư, chuyên viên sẽ tiến hành phân tích tính ổn định, lưu động, khả năng thanh toán và khả năng sinh lời của một đơn vị kinh tế nhằm đảm bảo khả năng hoàn thành mục tiêu đầu tư đã được đề ra.
- Thủ quỹ
Là người chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính cho tổ chức/công ty/doanh nghiệp, thủ quỹ có nhiệm vụ kiểm soát những khoản thu chi phát sinh trong quá trình hoạt động theo đúng quy trình và lưu trữ toàn bộ giấy tờ liên quan đến những khoản này. Một số ví dụ có thể kể đến như phiếu thu, phiếu chi, giao liên, tạm ứng,…
Bên cạnh đó, thủ quỹ còn cần phối hợp với nhân viên kế toán nhằm tổng hợp cụ thể số dư tồn quỹ. Khoản tiền này sẽ giúp đáp ứng kịp thời các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đảm bảo các khoản phúc lợi của nhân viên như bảo hiểm, lương thưởng,…
Những tố chất cần có của những người làm việc trong ngành tài chính doanh nghiệp
- Có năng khiếu đối với các môn tự nhiên: Khả năng nhạy bén với những con số sẽ giúp quá trình làm việc thuận lợi hơn.
- Cẩn thận, tỉ mỉ, có trí nhớ tốt: Giúp kiểm soát tốt dòng tiền của doanh nghiệp và hạn chế rủi ro trong đầu tư.
- Khả năng giao tiếp tốt: Giúp trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như cấp trên, cấp dưới, đối tác,… một cách hiệu quả.
- Luôn tự tin về khả năng, năng lực của bản thân: Những bản báo cáo số liệu dài nhiều trang đôi khi có thể sẽ khiến bạn bị bối rối và hoài nghi về quyết định của mình trong công việc. Vì vậy, việc tự tin vào năng lực của bản thân sẽ giúp bạn luôn trong một tâm thế sẵn sàng chịu được áp lực và hoàn thành tốt công việc được giao.
- Có kỹ năng công nghệ thông tin: Sử dụng thành thạo các kỹ năng văn phòng, đặc biệt là các phần mềm liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán.
- Có khả năng ngoại ngữ: Hỗ trợ tìm kiếm, nghiên cứu chuyên sâu các tài liệu chuyên ngành cũng như cập nhật kịp thời thông tin tài chính trong nước và thế giới để phục vụ cho công việc một cách hiệu quả.
Ngành tài chính doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Vì vậy, các tổ chức/công ty/doanh nghiệp rất chú trọng đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia tài chính có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Với cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập hấp dẫn, đây hứa hẹn sẽ là một trong những ngành học tiềm năng nhất hiện nay.
Nguồn tham khảo: jobsgo.vn