Nghề kế toán: Đến bao giờ em mới leo lên được nấc thang như chị?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 13/07/2017 - 11700 lượt xem.

Với mức lương chỉ 3 triệu đồng sau gần 1 năm làm việc, tôi chẳng khác gì một tạp vụ. Mơ ước của tôi được tăng lương một năm một lần, xứng đáng với công sức đã bỏ ra… phải chăng quá khó!

                                                            Ảnh minh họa

Ai bảo kế toán là ngồi bàn giấy?

Tôi đã từng nghĩ, nghề kế toán gắn liền với công việc nhàn hạ, sáng mở sổ ra tối gấp sổ lại, nhưng chưa bao giờ biết rằng công việc đó lại vất vả đến thế.

Ra trường được hơn 1 năm, tôi đã chuyển công ty 2 lần, vì áp lực công việc quá cao, và lương lại quá thấp.
Lần đầu tiên, với bộ hồ sơ xin việc non kinh nghiệm của tân cử nhân mới ra trường, tôi được nhận vào làm cho một công ty về du lịch và vận tải ở Hà Nội. Mức lương tháng thử việc người ta trả cho tôi là 1,5 triệu đồng.

Bàn làm việc của tôi được trang bị một bộ máy tính mới, màn 14 inch, một chiếc ghế xoay, bên cạnh là giá để tài liệu, bút và 2 cuốn sổ.

Thế nhưng, suốt 3 tháng trời làm việc ở đây, số vòng xoay chiếc ghế chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi mà chưa kịp ngồi nóng chỗ, tôi đã phải đứng lên làm trăm thứ việc khác.

Sếp quản lý tôi là một chị kế toán tổng hợp, với 10 năm kinh nghiệm cùng mức lương mơ ước gần 40 triệu đồng/tháng.

Ân cần bàn giao cho tôi chỗ ngồi mới, chị dịu dàng nói: “Có gì không hiểu cứ hỏi chị”.
Nhưng suốt nhiều tháng, hình mẫu lý tưởng của tôi chỉ xuất hiện vài lần, thoắt ẩn thoắt hiện tựa như sao trên trời ?. Mọi việc đều đến tay tôi. Từ kiểm kho, ghi xuất nhập tồn, phát lương, đi kiếm các công ty đặt in hóa đơn, in và đếm hóa đơn, cho đến những việc như pha trà, rửa chén cho sếp “lớn”.

Thực ra, những ngày như vậy vẫn là “hạnh phúc”. Cuối tháng mới thực sự là ác mộng. Tôi phải tổng hợp hàng trăm thứ sổ sách, lương, đặt in hoá đơn giá trị gia tăng cho tới các giấy tờ khác.

Với mức lương tháng 1,5 triệu đồng, tôi phải căng ra để không phạm phải bất cứ sai sót nào trong hàng trăm nghìn giấy tờ sổ sách. Ở đây, làm tốt không được thưởng nhưng làm sai sẽ bị phạt, trừ vào tiền lương.

Sau quá trình thử việc, mức lương được tăng gấp 2 lần, tức lên 3 triệu đồng. Lúc này, tôi được yêu cầu cam kết không sinh đẻ trong 3 năm làm tại công ty thì mới được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm. Có việc là tốt rồi, tôi đặt bút ký mà không suy nghĩ gì nhiều.

Trong phòng kế toán của tôi, có hai nhân viên khác. Họ cũng đi làm đúng ngành học nhưng tình hình cũng chẳng khác tôi là mấy. Mỗi ngày, họ phải nhận hàng trăm cuộc gọi của khách hàng, từ tư vấn, giao dịch cho đến các vấn đề phát sinh của hợp đồng.

Do làm kế toán công nợ và thanh toán, cần đối chiếu công nợ với đối tác thường xuyên nên số điện thoại cá nhân của 2 đồng nghiệp cùng phòng trở thành số điện thoại công cộng. Với họ, việc phải nghe khách phàn nàn, thậm chí mắng chửi đã trở thành cơm bữa.

Mỗi tháng quyết toán lập báo cáo tài chính và thuyết minh báo cáo tài chính 1 lần. 3 tháng phải làm việc với kiểm toán. 6 tháng ban kiểm soát làm việc 1 lần. Mỗi năm 1 lần với cơ quan thuế. Cứ như vậy, số lượng các báo cáo ngày càng nhiều. Cuối tháng, chúng tôi phải đem sổ sách về nhà, làm cả ngày càng đêm, gật gù trên bàn làm việc chẳng khác gì ôn thi đại học.

Tuy thế, chúng tôi vẫn phải yêu nghề, gắn bó với nghề. Bởi nếu không làm kế toán, bỏ nghề này, chúng tôi chẳng biết xin việc ở đâu.

Đặc thù của nghề kế toán là khi làm quen việc ở một mảng/ngành thì dễ quên các nghiệp vụ khác. Khi muốn chuyển việc cũng khó vì hầu hết các công ty đều yêu cầu kế toán tổng hợp.

Nếu như trước đây, chúng tôi chọn học ngành Kế toán – Kiểm toán vì thu nhập cao, thì nay, đây là một trong ngành dư thừa lao động. Theo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trên địa bàn Hà Nội quý 3/2015, nhóm ngành này đang có chênh lệch nguồn cung gấp 11,8 lần so với nhu cầu của xã hội.

Tính riêng khu vực Hà Nội đã có gần 30 trường đại học đào tạo ngành Kế toán – Kiểm toán. Dù ngành này đang dư thừa nhân lực, các trường vẫn tuyển với chỉ tiêu ở mức cao ngất. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, bằng cấp thì nhiều nhưng làm được việc thì ít, tất yếu làm cho “cái giá” của nghề giảm xuống.

                                                                                                            Ảnh minh hoạ.

Sống bằng lương kế toán thì cả nhà chết đói?

Câu chuyện này là đề tài chung của dân học kế toán than nghèo kể khổ mỗi lần họp lớp như tôi. Cũng bởi vì thế mà nhiều kế toán viên có những mánh lới riêng để kiếm thêm thu nhập.

Bạn đồng môn với tôi tên Hoà, đang làm kế toán tổng hợp. Công việc của Hòa cũng đa di năng chẳng khác gì tôi. Vì chỉ là nhân viên kế toán quèn ở một công ty nhỏ trong nước, lương của Hòa khá thấp nên chẳng đủ nuôi gia đình. “Sống bằng lương thì cả nhà chết đói”, là câu cửa miệng của cô mỗi lần gặp mặt bạn bè đại học như tôi.

Theo Hoà, có nhiều cách kiếm tiền. Ví dụ nhà cung cấp A muốn thanh toán công nợ nhanh thì phải “bo” phần trăm cho kế toán để “nhắc” sếp thanh toán cho nhà cung cấp này trước. Tiền “lót tay” kiểu này Hoà hưởng hết.
Mua hoá đơn vật tư, Hòa cũng được hưởng thêm một chút. Rồi quà khuyến mại hay chiết khấu thanh toán của công ty, đáng ra tới tay khách hàng thì cũng phải “qua mặt” kế toán trước. Vì thế, vào những dịp khuyến mại, Hoà xách hàng trăm thứ đồ về mà chẳng phải bỏ ra đồng nào.

Thậm chí, Hòa mách nhỏ tôi, cô làm theo ý sếp, hạch toán theo ý sếp, nên sếp thưởng cả tháng lương. Tất cả chuyện này chỉ sếp và kế toán biết với nhau.
Và những khoản trên chưa là gì khi vào mùa kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp. Do được sếp tin tưởng, nên Hoà toàn quyền quyết định khi quyết toán cho cơ quan thuế.

Về nguyên tắc, khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán phải báo cáo cho chủ DN có phần khấu trừ các chi phí quảng cáo, đầu tư công nghệ… Nhưng Hoà không báo cáo (nhưng trong phần quyết toán thuế cho cơ quan thuế vẫn có kê thêm những chi phí này) để “ăn” phần chênh lệch DN không khấu trừ và phần được khấu trừ. Khoản này ít thì vài chục, mà nhiều có khi phải đến tiền trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, những “tiểu tiết” trong nghề mang lại “lậu” tốt nhất cho kế toán chính là phần thiếu hiểu biết của người lao động. Những khoản hỗ trợ của người lao động có người phụ thuộc phải nuôi, gia cảnh… hay hỗ trợ thất nghiệp sau khi nghỉ làm đều có thể về tay kế toán nếu người lao động không nắm rõ.

Có tật dễ giật mình. Trông Hoà ăn diện váy vóc, tay chân sơn móng vẽ hoa, dùng hàng hiệu đi xe con, nhưng tôi biết sau đôi mắt cô vẫn luôn lo sợ và chẳng khi nào yên. Cái giá phải trả cho những đồng tiền không thấy mặt là nhiều đêm không ngủ và những ngày bất an. Bởi chỉ cần bị phát hiện thì nhân viên kế toán sẽ bị mất nghề, mất cả nghiệp, thậm chí là bị khởi tố, đi tù.

Nhìn bạn mà ngẫm lại thân mình, tôi bất giác thở dài. Đến bao giờ mới leo lên được nấc thang của chị kế toán trưởng bằng con đường chân chính?

Nguồn: Hồng Minh – Trí Thức Trẻ