Nghị định 83/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 23/07/2013 - 23487 lượt xem.

Ngày 22/06/2013, Chính Phủ ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Theo đó, Nghị Định quy định về việc khai thuế GTGT theo quý đối với các doanh nghiệp nếu có doanh thu năm trước liền kề dưới 20 tỷ đồng như sau:

+ Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì bắt buộc phải khai theo tháng. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì năm dương lịch tiếp theo căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước để khai thuế GTGT theo quý hay tháng.

+ Chu kỳ khai theo quý sẽ được ổn định trong thời hạn 3 năm dương lịch. Chu kỳ đầu tiên được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực (15/9/2013) đến hết năm 2016.

+ Khi khai theo quý, nếu doanh nghiệp muốn chuyển sang khai theo tháng thì chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan Thuế; Việc khai thuế theo quý được ổn định trong suốt năm dương lịch.

luat quan ly thue

Cũng theo Khoản 2, Điều 5 của Nghị định này, Sau khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, nếu người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp và được kiểm tra, thanh tra  (liên quan đến thời kì kiểm tra, thanh tra) còn sai sót thì người nộp thuế được tự khai bổ sung, điều chỉnh,. Việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân khách quan , chủ quan của việc sai sót, chưa đúng phải điều chỉnh.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013, thay thế Nghị định số 85/2007/NĐ- CP và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP.

Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007.

Các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt:

♦ Hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh;

♦ Doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007;

♦ Doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa theo các Nghị định: số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998, số 64/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002, số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc khi chuyển thành công ty cổ phần;

♦ Doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán theo các Nghị định: số 103/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 1999, số 80/2005/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007 mà khoản tiền thuế, tiền phạt này không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán.

Ngoài ra, việc xóa nợ tiền thuế đối với các trường hợp nêu trên đồng thời xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của khoản thuế nợ gốc được xóa tương ứng.

Nghị định còn hướng dẫn trường hợp Nộp dần tiền thuế nợ:

Trong trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế mà không có khả năng nộp đủ số tiền thuế nợ một lần thì có thể được nộp dần nếu đủ các điều kiện sau:

– Có bảo lãnh của Tổ chức tín dụng.

– Có cam kết về tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp và chia đều số tiền nợ để nộp dần theo tháng.

Thời gian thực hiện tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Riêng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngoài các điều kiện trên, người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế của lô hàng đang làm thủ tục hải quan trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Trách nhiệm của người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ.

+ Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, người nộp thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05% trên ngày trên số tiền thuế chậm nộp;

Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp đã cam kết.

+ Trường hợp người nộp thuế vi phạm cam kết về tiến độ nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp thay cho người nộp thuế, bao gồm tiền thuế nợ, tiền chậm nộp theo mức 0,05% trên ngày được nộp dần và tiền chậm nộp theo mức 0,07% trên ngày tính trên số tiền chậm nộp kể từ thời điểm vi phạm cam kết về tiến độ nộp dần tiền thuế nợ.

Xem toàn bộ văn bản và download về tại Thư viện Webketoan.