UBND TPHCM vừa chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) rà soát việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động trên địa bàn TP, với yêu cầu đảm bảo hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Vậy bao giờ người lao động nhận được sổ BHXH của mình? Liên quan đến vấn đề này, ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết:
Sổ BHXH trước nay do đơn vị sử dụng lao động quản lý, bảo quản. Tuy nhiên, tại các đơn vị, doanh nghiệp, người làm công tác bảo quản sổ BHXH cho người lao động chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng không có phương tiện chuyên dụng để bảo quản sổ BHXH, trong khi thời gian bảo quản kéo dài, dẫn đến dễ bị ẩm mốc. Thậm chí, có tình trạng chủ sử dụng lao động “giam” sổ, không trả sổ BHXH cho người lao động khi họ muốn nghỉ việc, chuyển sang nơi làm mới.
Thời gian qua, tình hình nợ đọng BHXH phức tạp. Nhiều doanh nghiệp vẫn trừ tiền đóng BHXH hàng tháng của công nhân, người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng để sử dụng vào việc khác. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Với việc người lao động tự quản lý sổ và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH, thì thông qua đó, người lao động biết được quá trình cũng như mức tiền lương tham gia BHXH của mình, góp phần kịp thời phát hiện trường hợp doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH.
– PHÓNG VIÊN: Một trong những lợi ích được kỳ vọng khi giao sổ cho người lao động là để người lao động giám sát được việc đóng tiền BHXH của người sử dụng lao động. Thưa ông, người lao động sẽ giám sát bằng cách nào?
>> Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Sau khi người lao động giữ sổ, định kỳ hàng năm, chúng tôi sẽ xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động, bằng tờ rời sổ BHXH. Việc cập nhật thông tin về điều chỉnh tăng, giảm, bổ sung liên quan đến người lao động đang tham gia BHXH, chúng tôi cập nhật trên cơ sở đề nghị của đơn vị sử dụng lao động qua việc lập hồ sơ tăng giảm hàng tháng.
Đồng thời, định kỳ 6 tháng một lần, chúng tôi sẽ cung cấp kết quả đóng BHXH của người lao động trên website của BHXH TPHCM: http://c13.bhxhtphcm.gov.vn/ Người lao động có thể tự tra cứu để biết quá trình đóng và tiền lương tham gia BHXH của mình.
Về nguyên tắc, hàng tháng, khi doanh nghiệp trả lương cho người lao động, thì đồng thời trích nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp về cơ quan BHXH. Khi người lao động phát hiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH thì có thể báo cho công đoàn cơ sở để can thiệp và bảo vệ quyền lợi. Trong trường hợp công đoàn không can thiệp được thì báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương, là phòng LĐTB-XH quận, huyện, hay cơ quan Thanh tra Lao động, hoặc khởi kiện tại tòa án nơi doanh nghiệp trú đóng.
– Khi nào thì người lao động nhận được sổ BHXH, thưa ông?
Chúng tôi đang quản lý trên 2 triệu sổ BHXH. Trong đó, có gần 850.000 sổ được cấp trước ngày 31-12-2008 và số còn lại được cấp sau năm 2008 (tờ bìa sổ).
Với sổ BHXH được cấp từ năm 2009 đến nay, cơ sở dữ liệu đã có trong phần mềm quản lý tương đối đầy đủ, chỉ một số trường hợp chưa cập nhật đúng chức danh nghề nghiệp. Còn đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH trước năm 2008, do chưa có đầy đủ trong cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý, nên chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị sử dụng lao động thực hiện, cập nhật. Và chúng tôi chỉ bàn giao sổ cho người lao động sau khi đã rà soát, nhập xong thông tin trên sổ BHXH của người lao động vào cơ sở dữ liệu và in tờ rời hàng năm đến năm 2016. Như vậy, sổ BHXH đã cấp trước ngày 31-12-2008 thì sẽ thu hồi và cấp lại tờ bìa cùng toàn bộ tờ rời sổ BHXH. Đối với sổ BHXH sau năm 2008 (tờ bìa và tờ rời) thì không cấp lại mà chỉ điều chỉnh, bổ sung thông tin (nếu có).
Trong năm nay, dự kiến khoảng 1,2 triệu người lao động sẽ nhận được sổ BHXH. Toàn bộ người lao động ở TPHCM có sổ BHXH sẽ được nhận sổ chậm nhất trước ngày 31-12-2018. Chúng tôi sẽ phối hợp với các quận, huyện và đơn vị sử dụng lao động bàn giao trực tiếp sổ BHXH cho người lao động.
– Với những doanh nghiệp đang nợ đọng, trốn đóng BHXH hay phá sản thì việc giao sổ được thực hiện ra sao? Có chế tài nào nếu doanh nghiệp “giam” sổ BHXH?
Nếu doanh nghiệp còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thì chúng tôi in tờ rời sổ BHXH, xác nhận thời gian đến thời điểm đơn vị đã đóng đủ tiền.
Riêng đối với các đơn vị phá sản hay chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động cần liên hệ với tổ chức công đoàn yêu cầu hỗ trợ. Trên cơ sở đó, công đoàn lập danh sách và chuyển cơ quan BHXH xác nhận sổ trả cho người lao động. Hoặc, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi đơn vị đã tham gia BHXH.
Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp không trả sổ BHXH cho người lao động thì người lao động có thể khởi kiện tại tòa án.
– Những người lao động có 2 sổ BHXH trở lên thì nhận sổ nào? Cầm sổ BHXH trong tay, người lao động khi nghỉ việc có thể… tự đi đến cơ quan BHXH chốt sổ được không?
Theo nguyên tắc, mỗi người lao động chỉ có một sổ BHXH. Do vậy, nếu người lao động có 2 sổ trở lên thì liên hệ cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH để gộp sổ hoặc có thể nộp thông qua đơn vị sử dụng lao động nơi đang làm việc. Nếu người lao động đã nghỉ việc, sổ đã được chốt thì liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để lập thủ tục gộp sổ, kể cả chỉnh sửa sai sót về nhân thân (ngày, tháng, năm sinh).
Nếu người lao động làm hư hoặc làm mất sổ thì liên hệ cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú để làm thủ tục cấp lại sổ. Người lao động đang tham gia BHXH mà nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để chốt sổ cho người lao động.
Nguồn: BHXH TP.HCM