Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 30/08/2012 - 4785 lượt xem.

 

Tỷ lệ người đóng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên số người hưởng lương hưu giảm nhanh là nguyên nhân chính đang làm thu – chi của quỹ này mất cân đối nghiêm trọng.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2020, quỹ lương hưu của Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt và cạn kiệt vào năm 2029. Đây là kết quả nghiên cứu sâu rộng của ILO về quỹ hưu trí của Việt Nam, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

 

ông Carlos Galian, chuyên gia của ILO tại Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra khá nhiều bất cập trong hệ thống BHXH của Việt Nam. Trong đó, số người tham gia đóng BHXH mới chiếm 20% lực lượng lao động. 

Tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu có xu hướng giảm nghiêm trọng. Nếu năm 1996, có 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu, thì đến năm 2011, chỉ còn gần 10 người đóng cho một người hưởng. 

Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu bình quân hiện cũng khá thấp (tính chung cả nam và nữ là 53,43 tuổi), dẫn tới thời gian đóng rút ngắn đi, nhưng thời gian hưởng lại ngày càng kéo dài (gần 20 năm), do tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu đã tăng lên tới 73 tuổi.

Bên cạnh đó, việc tăng lương hưu cũng khiến lượng chi của quỹ BHXH đội lên rất nhiều. “Trong khi quỹ BHXH tăng bình quân dưới 10%/năm, thì qua 6 lần điều chỉnh từ năm 2007 đến nay, lương hưu đã tăng 134%”, ông Carlos Galian cho biết. Vì vậy, tỷ lệ chi quỹ lương hưu năm 2011 đã chiếm tới 94,65% tổng thu, so với tỷ lệ 64,4% trong năm 2007.

Để tăng nguồn thu, phần kết dư của quỹ BHXH được phép cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay với lãi suất thấp, được mua công trái và trái phiếu chính phủ, nhưng lại không được phép trực tiếp đầu tư để đảm bảo an toàn vốn. 

Chính vậy, theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính – sự nghiệp (Bộ Tài chính), tiền sinh lời của quỹ BHXH hiện còn thấp. Từ năm 2008 đến nay, phần kết dư của quỹ khoảng 80.000 – 90.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trên vốn thu về chỉ đạt mức 9 – 11%.

Từ thực tế đó, bà Hằng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi, tận dụng nguồn vốn trong từng thời gian thích hợp, kết hợp giữa cho vay dài hạn và cho vay ngắn hạn, đổi mới phương pháp xác định lãi suất cho vay… Bà Hằng cũng kiến nghị hình thành tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để bảo đảm an toàn và tăng trưởng quỹ tốt.

Ông Hiroshi Yamabana, Ban Bảo hiểm và Tài chính của ILO cho rằng, tăng dần tuổi nghỉ hưu được xem là một biện pháp quan trọng để cân đối tài chính giữa nguồn thu và nguồn chi của quỹ BHXH tại Việt Nam. 

Nghiên cứu của ILO đề xuất giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 61 và nữ lên 56 tuổi từ năm 2016, sau đó, cứ 2 năm lại tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ thêm 1 năm, cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đạt mức 65 tuổi rồi giữ nguyên. Khi đó, thời gian đóng bảo hiểm sẽ kéo dài và rút ngắn thời gian hưởng, góp phần cân đối thu – chi của quỹ.

Tuy nhiên, ông Hiroshi Yamabana cũng cho rằng, chỉ riêng biện pháp này vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình quỹ. Hơn nữa, tăng tuổi nghỉ hưu cũng gặp trở ngại khá lớn trước áp lực tạo việc làm mới và tinh giản biên chế, rút gọn bộ máy nhân sự, đặc biệt là ở khu vực nhà nước. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nên có các quy định để hạn chế việc nghỉ hưu trước tuổi, như giảm 5 – 6% lương hưu với mỗi năm nghỉ sớm.

Một giải pháp nữa được Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đưa ra, đó là tách riêng lương hưu của khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước và khu vực thị trường. Đồng thời, xem xét lại mức đóng và mức hưởng của người lao động tại khu vực doanh nghiệp nhà nước. 

Hiện nay, lương hưu cho lao động làm việc tại doanh nghiệp nhà nước tính theo mức bình quân 5 năm cuối đóng BHXH, trong khi ở doanh nghiệp các khu vực khác tính bình quân cả quá trình, nên thấp hơn nhiều so với tính bình quân 5 năm cuối, gây bất hợp lý.

Ông Huân cũng cho rằng, cần có các biện pháp quản lý chặt hơn việc đóng BHXH tại các doanh nghiệp. Nếu căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê về số doanh nghiệp và số lao động, hiện chỉ có 45% doanh nghiệp đóng BHXH, trong đó, số người thuộc diện bắt buộc phải đóng BHXH cũng chỉ tham gia được khoảng 65%. Vì vậy, nếu quản lý tốt, sẽ tăng được một lượng lớn người đóng, góp phần cân bằng quỹ.

“Với việc Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thảo luận trong kỳ họp cuối năm nay và có thể được thông qua vào đầu năm 2013, hy vọng, các biện pháp để cân bằng thu – chi sẽ sớm được ban hành, nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH”, ông Hiroshi Yamabana kỳ vọng.

(Nguồn: http://cafef.vn)