Với việc áp dụng Thông tư 02, lãnh đạo nhiều ngân hàng e ngại tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng vọt trong khi lợi nhuận giảm mạnh vào 6 tháng cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 02 quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, đối tượng tài sản được xem xét trích lập dự phòng rủi ro không chỉ gồm các khoản cho vay đơn thuần như hiện nay, mà được xét đến bản chất tín dụng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, việc Thông tư 02 mở rộng hơn phạm vi dư nợ tín dụng là điều hợp lý, là một bước tiến gần đến thông lệ quốc tế. Tác động của Thông tư 02 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2013) sẽ được phản ánh rõ trong kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013. Với việc áp dụng quy định mới, nhiều khả năng, một số ngân hàng sẽ có tỷ lệ nợ xấu, quá hạn tăng lên so với hiện nay. Ông Lực cho biết, điều này sẽ phản ánh chân thực hơn thực trạng nợ quá hạn, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xử lý triệt để hơn vấn đề nợ xấu, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.
Nhiều ngân hàng lo ngại Thông tư 02 “chặt chẽ”. Ảnh: Anh Quân. |
Bên cạnh quan điểm đồng tình, vẫn có không ít tổ chức tín dụng băn khoăn, e ngại về tác động tiêu cực của thông tư này. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, Thông tư 02 đưa ra nhiều quy định chặt chẽ, gây khó khăn cho các ngân hàng. Bởi trước đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Khi đó, các nhà băng mất vài năm xây dựng hệ thống, một số ngân hàng đã hoàn tất quá trình này nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng mới xây dựng được một nửa hoặc sắp xong.
“Như vậy, có một sự không đồng đều giữa các ngân hàng trong việc phân loại nợ mà Ngân hàng Nhà nước cần chú ý. Bên cạnh đó, việc phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều khoản hơn có nghĩa là chi phí sẽ tăng thêm, rất có thể chúng tôi sẽ cân nhắc tính toán khoản chi phí đó lên dịch vụ, tăng lãi suất cho vay…”, vị tổng giám đốc trên nói.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng khác thì cho rằng, việc thực hiện Thông tư sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các ngân hàng tự phân nhóm đối với các khoản nợ tín dụng, nhưng theo quy định mới, các ngân hàng chuyển thông tin lên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và sau đó các ngân hàng muốn tìm hiểu về khách hàng phải truy suất thông tin từ CIC.
Cách làm này nhằm minh bạch hóa thông tin, tránh tình trạng một doanh nghiệp nợ quá hạn ở ngân hàng A nhưng vẫn tiếp tục sang ngân hàng B vay vốn. “Nhưng tại Việt Nam, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước được cấp hạn mức ở 10 ngân hàng là chuyện bình thường, mà nếu sắp tới nợ quá hạn tại một ngân hàng A sẽ nghiễm nhiên không được vay ở các ngân hàng B thì sẽ rất khó khăn cho các tổng công ty, tập đoàn này”, vị lãnh đạo này nói.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch ngân hàng cũng cho rằng, trong điều kiện Việt Nam, nếu Thông tư đi vào hiện thực, nợ quá hạn có thể tăng rất mạnh, trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm âm cả vốn điều lệ của nhiều ngân hàng.
Trước cách nhìn có phần tiêu cực về ảnh hưởng của lãnh đạo một tổ chức tín dụng, lãnh đạo một công ty kiểm toán quốc tế cho rằng, đã có sự nhầm lẫn trong cách hiểu của các ngân hàng. Về bản chất, Thông tư 02 không có gì thay đổi nhiều về phương pháp phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro hay mang tính đột phá, mà chỉ yêu cầu các ngân hàng cần phân tích chất lượng tín dụng theo phương pháp định lượng, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng. Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước muốn tạo nền tảng, tích lũy tài chính phòng ngừa rủi ro, nhưng ngân hàng lại mong muốn lập dự phòng thấp để có cổ tức trả cổ đông và thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
“Xét về quan điểm quản lý, muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thì cần phải rõ những yếu kém của nó ở đâu để có phương hướng xử lý chuẩn xác. Thông tư 02 đã đưa ra biện pháp chặt chẽ hơn trong việc phân loại nợ để các ngân hàng bớt chia cổ tức”, vị lãnh đạo công ty kiểm toán nhấn mạnh.
Theo Đầu tư chứng khoán