Quỳnh Mai |
Thứ Hai, 12/11/2012, 15:06 (GMT+7) |
|
(TBKTSG Online) – Đọc và nghe thông tin trên báo chí, truyền hình về chuyện những người điều khiển ô tô, xe gắn máy “không chính chủ” – nghĩa là xe không do người điều khiển đứng tên, sẽ bị phạt tới một triệu đồng (xe gắn máy) và tới 10 triệu đồng (ô tô) theo quy định của Nghị định 71, làm tôi thấy bức xúc và tự hỏi “không lẽ Chính phủ lại đưa ra quy định kỳ quặc như vậy?”. Không lẽ cha mẹ, con cái và anh chị em trong gia đình mỗi người phải mua riêng một chiếc xe? Hay bạn bè mượn xe của nhau cũng có thể bị phạt? Và, còn những người lái xe thuê thì sao?
Nhưng thật bất ngờ, khi đọc lại toàn văn Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tôi lại không tìm được bất kỳ cụm từ “không chính chủ” nào trong đó, mà chỉ nói đến vi phạm do không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Cụ thể, trong khoản 3 của mục số 8 sửa đổi bổ sung điều 33 của Nghị định 34 năm 2010 có ghi thế này “phát tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: e- Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Tương tự, khoản 6 quy định “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: c- Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Như vậy, cụm từ “không chính chủ” là do một nhà báo nào đó “sáng tác” ra hoặc một quan chức nào đó nói cho nhà báo biết rồi sau đó cứ thế đưa lên báo. Rõ ràng, ý nghĩa của câu “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện tiện theo quy định” khác xa với ba chữ “không chính chủ”.
Tới đây, tôi lại tự hỏi không biết nhà báo viết tin này đã đọc Nghị định 71 chưa, hay chỉ nghe người khác nói rồi viết lại? Và nữa, các sĩ quan cảnh sát giao thông có nghiên cứu Nghị định 71 kỹ không, để người dân không bị phạt oan?