Những mảng tối trong kết quả kinh doanh quý 1/2013

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 07/05/2013 - 4652 lượt xem.

Kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, nhiều doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông tăng vốn hoặc bán tài sản để trả nợ… Đó là mảng tối trong kết quả kinh doanh quý 1/2013 của không ít doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

1367829552_doanh nghiệp niêm yết

Lợi nhuận giảm, nợ tăng

Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) vừa công bố doanh thu quý 1/2013 đạt 15,5 tỉ đồng, gấp bảy lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng quý này, khoản lỗ của công ty cũng xấp xỉ con số này khi lên đến 15,37 tỉ đồng. Mặc dù lỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2012 lỗ gần 660 tỉ đồng), song lỗ luỹ kế của công ty tại thời điểm 31.3.2013 là 1.783 tỉ đồng. Tổng tài sản của SBS cuối kỳ còn gần 720 tỉ đồng, giảm 425 tỉ so với đầu năm, do rút tiền gửi ngắn hạn để trả nợ. Hiện SBS đang âm vốn chủ sở hữu tới 267 tỉ đồng.

SBS là một trong số những doanh nghiệp niêm yết sớm có báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2013 với khoản âm về lợi nhuận. Điều đáng lo ngại, tình trạng như SBS không phải là “hàng hiếm” trên hai sàn niêm yết, bất kể thương hiệu, quy mô, lĩnh vực kinh doanh… Như CTCP Vận tải và thuê tàu biển (VST) riêng quý 1 năm nay cũng lỗ ròng 43,2 tỉ đồng, gấp đôi mức lỗ cùng kỳ năm ngoái (quý 1/2012 lỗ 21,8 tỉ đồng), nợ ngắn hạn trên 804 tỉ đồng, vượt 533 tỉ đồng so với tài sản ngắn hạn…

Nhiều doanh nghiệp khác, lợi nhuận dù không bị âm, song phần lớn đều giảm so với cùng kỳ năm trước, hoặc tăng gánh nặng nợ nần. Như công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), lãi sau thuế đạt 7,6 tỉ đồng, tổng tài sản đến ngày 31.3 đạt 3.540 tỉ đồng, tăng 1.000 tỉ đồng so với đầu năm, song vay dài hạn cũng tăng thêm 700 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.500 tỉ đồng…

Tăng vốn + bán tài sản trả nợ

Để giảm áp lực chi phí tài chính, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) vừa xin ý kiến cổ đông là tăng vốn lên 6.000 tỉ đồng. CTCP đầu tư công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng cho biết cần huy động thêm 1.000 tỉ đồng để triển khai bốn dự án xây dựng cơ bản trong năm 2013. CTCP Đường Biên Hoà (BHS) dự kiến phát hành gần 31,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ lên 630 tỉ đồng. Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) cũng lấy ý kiến bằng văn bản việc tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng…

Nhiều doanh nghiệp đã phải thu xếp bán tài sản trả nợ. Như CTCP Licogi 16 (LCG) vừa lên kế hoạch, năm 2013 sẽ “chuyển nhượng bất kỳ dự án bất động sản nào có thể”.

Đại hội cổ đông của tập đoàn Hà Đô (HDG) đã quyết định tập trung vào bốn dự án đã được khởi công từ các năm trước đó, đồng thời có thể phải bán vài dự án trong năm nay để thu hồi khoản vốn khoảng 1.400 tỉ đồng, đi kèm phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm giảm áp lực vay mượn… Tại đại hội cổ đông của CTCP vận tải biển Hải Âu (SSG) vừa qua, nhiều cổ đông đã đề nghị công ty bán tàu để giảm nợ. Tương tự, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cũng công bố kế hoạch bán tàu. Làn sóng bán tài sản đặc biệt diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Đầu tư Kinh Bắc (KBC), Vinaconex (VCG), Gemadept (GMD), Nhà Thủ Đức (TDH)…

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản èo uột hiện nay, kế hoạch bán tài sản cũng không dễ thực hiện.

Thảo Nguyễn
Theo SGTT