Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Nợ BHXH là tội ác!

Thưa Thủ tướng, tôi chuyển đến ông tâm tư này ngay trên giường bệnh khi đang đơn độc đánh vật với những căn bệnh nghiệt ngã ở tuổi xế chiều. Cao huyết áp, tiểu đường và khối u đầu tụy, phải phẫu thuật 2 lần chỉ trong một năm đã khiến tôi gần như gục ngã.

Với cơ thể chỉ còn 27 kg, chống chọi tuyệt vọng các cơn đau mỗi ngày bằng những vốc thuốc, dốc chút sức lực còn lại, tôi mong Thủ tướng lắng nghe nỗi bĩ cực của mình – cũng là nỗi vất vả chung của rất nhiều lao động không may phải trả giá cho những việc không do họ gây ra.

                         Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Tôi làm thợ máy cho một công ty công trình giao thông gần 25 năm. Sau khi cổ phần hóa, qua nhiều lần mua đi bán lại, công ty bắt đầu xuống dốc, việc làm thưa dần. Năm 2013, thấy sức khỏe mình yếu, tôi xin nghỉ việc và được giải quyết. Thế nhưng lúc này, tôi mới biết công ty còn nợ tiền BHXH khá lớn.

Lấy lý do hết tiền, công ty cũng từ chối chi trả luôn khoản trợ cấp thôi việc hơn 50 triệu đồng cho tôi. Không chốt được sổ BHXH, tôi tay trắng về nhà. Cực chẳng đã mới đi kiện nhưng khi thắng kiện rồi, tôi cũng chẳng được gì bởi công ty cứ bảo hết tiền, còn thi hành án thì kêu “chờ” do vướng đầu này đầu kia. Vậy là thắng kiện cũng như không!

Bệnh tật cứ ập đến liên tục không kịp trở tay, gia cảnh khó khăn, con nhỏ còn đang đi học, một tay vợ tôi phải chèo chống. Thuốc thang mỗi tháng vài triệu đồng, nợ nần cứ thế mà chồng chất. Tôi không chốt được sổ BHXH, không chế độ gì, đi một chặng đường dài đến thế mà rốt cuộc không được gì, rõ là cay đắng.

Từ câu chuyện của mình, qua tìm hiểu, tôi mới thấy nợ BHXH không là chuyện mới mẻ mà diễn ra phổ biến, thường xuyên. Báo chí, các ngành, các cấp đã nói rất nhiều mà hiện trạng này vẫn không xoay chuyển. Với những lao động còn trẻ, khỏe, làm ra nhiều tiền thì đơn giản nên nhiều người không quan tâm. Nhưng với những lao động bình thường, không tích góp được bao nhiêu, chẳng may về già ốm đau, tai nạn thì đó là một gánh nặng lớn cho chính họ, cho gia đình và xã hội.

Khi người lao động (NLĐ) đã chấp hành đầy đủ, đã bị trích lương hằng tháng để đóng BHXH mà doanh nghiệp vẫn nợ thì làm sao? NLĐ chấp hành luật pháp nhưng lại phải gánh hậu quả cho việc vi phạm luật của người khác thì quả là không công bằng. Vừa qua, nghe quy định mới có thể khởi tố hình sự đối với chủ doanh nghiệp nợ BHXH, tôi nghĩ rằng đó là một việc đương nhiên, lẽ ra phải làm từ lâu rồi để tạo sức răn đe. Vì tôi nghĩ rằng đó rõ ràng là một tội ác!

Ở khía cạnh khác, đã gần 3 năm kể từ ngày bản án của tôi có hiệu lực nhưng giống như không có gì xảy ra. Nếu công ty đã lạnh lùng bằng điệp khúc “hết tiền, muốn kiện cứ kiện” thì sau đó, việc thi hành bản án lại là điệp khúc khác “còn vướng”, “phải chờ”.

Công ty vẫn còn đó; tài sản, đất đai, nhà xưởng vẫn còn đó và vẫn đang khai thác, nhìn thấy oán giận mà không biết làm sao! Các cơ quan liên quan cũng lặng im, bất động. Hệ thống pháp luật dù có sửa đổi, có hoàn thiện đến thế nào mà không thi hành được thì cũng thành vô nghĩa. NLĐ không có gì trong tay, chỉ có thể đi kiện nhưng rồi cứ như kiện củ khoai. Người yếu thế trong xã hội, khổ thân, lại chỉ có thể trông chờ vào luật pháp.

Sau tôi, nhiều người khác cũng gửi đơn kiện với một chặng đường thăm thẳm. Xin gửi đến Thủ tướng tâm tư, tuyệt vọng của mình, mong mỏi Thủ tướng hành động quyết liệt để chấn chỉnh một thực trạng có thể trở thành thảm trạng cho nhiều gia đình trong hiện tại và tương lai.
Vũ Nam Hải (cựu thợ máy Công ty CP XD Công trình giao thông 710)

Nguồn:
Báo Người lao động
– Bảo hiểm xã hội TP.HCM

Exit mobile version