Nói và làm: Quá nửa số DN đã ra đi

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 07/05/2013 - 4471 lượt xem.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh với 700.000 DN đăng ký kinh doanh, nhưng hiện tại không còn nhiều trong số đó trụ lại được. Số còn hoạt động tính tới đầu năm 2013 là 300.000 DN.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2013 đã có 16.600 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó riêng Hà Nội có 3.000 DN và thành phố Hồ Chí Minh 5.000 DN. Các chuyên gia nhận định, số DN ngừng hoạt động hoặc phá sản vẫn tiếp tục tăng. Hiện tượng DN “chết lâm sàng” vẫn còn nhiều.

DN “chết” được cho là do thiếu vốn, không trả được nợ. Ngoài ra là chi phí sản xuất cao không cạnh tranh được và tổng cầu suy giảm dẫn đến tồn kho lớn. Theo VCCI, có tới 73% DN đang “sống dở chết dở” với hàng tồn kho của mình

Mấy năm gần đây, thông tin về hàng trăm nghìn DN “chết” đã trở nên khá quen thuộc, nhưng số còn lại khỏe, yếu ra sao vẫn không rõ ràng. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thì trong số 300.000 DN đang tồn tại có đến 20% là các DN ốm yếu với doanh thu giảm mạnh và thua lỗ tăng cao.

20130505115200-khokhan5-5

DN trong vòng xoáy của khó khăn (ảnh minh họa – vnbusiness)

Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của DN dần cạn kiệt. Trong khi đó, nhìn rộng ra, tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang suy giảm. Tổng cầu của nền kinh tế bao gồm tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất khẩu và đầu tư của khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Tất cả các yếu tố trên đều tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm 2013.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) tăng 4,6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 5,9%. Hoạt động xuất khẩu sau khi có sự khởi sắc trong quý 1 đã có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 4. Vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng trưởng chậm do tín dụng tăng trưởng thấp; vốn đầu tư phát triển trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn trái phiếu Chính phủ trong 4 tháng đầu năm mới đạt 27,2% dự toán, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012.

Chỉ số CPI 4 tháng đầu năm 2013 tăng thuộc loại thấp so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Về mặt tích cực, đó là niềm vui cho người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, những người bị thất nghiệp, thiếu việc làm. Tuy nhiên xét ở mặt khác, lạm phát thấp khiến cho sản xuất kinh doanh đứng trước nguy cơ trì trệ, đây là điều rất đáng lo ngại.

Nhìn vào con số DN giải thể trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình còn nhiều khó khăn đối với DN. Và như ông Cao Sỹ Kiêm cảnh báo đã có dấu hiệu của sự chán nản, buông xuôi trong nhiều DN. Đa số chờ đợi, nằm in hơn là thể hiện sự đột phá vươn lên.

Tình trạng DN ngừng hoạt động, giải thể nhiều được cho sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tăng trường kinh tế, thu ngân sách và việc làm.

Vì thế, các chuyên gia kinh tế bắt đầu bày tỏ sự quan ngại trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế của năm nay. DN ngừng hoạt động tăng trong khi số đang tồn tại lại thua lỗ cao sẽ dẫn đến đóng góp vào tăng trưởng giảm. Cùng với đó là thu ngân sách sẽ khó khăn, gia tăng qui mô thâm hụt ngân sách nhà nước, tăng nợ công, đồng thời hạn chế khả năng tăng chi để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Số DN ngừng hoạt động cao, trong khi số DN thành lập mới ít và có quy mô nhỏ, vốn nhỏ hơn sẽ dẫn đến lao động mất việc làm tăng, điều này sẽ làm tăng bất ổn xã hội.

Kinh tế phục hồi thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên các chính sách vĩ mô còn thiếu hỗ trợ tích cực. Cụ thể, thuế suất của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn cao. Theo một công trình nghiên cứu, mức huy động ngân sách (thuế) của nước ta lên đến 27% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ 17-18%. Lãi suất ngân hàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực thuộc vào hàng cao nhất, chưa kể nhiều yếu tố không tên khác làm tăng chi phí DN.

Bên cạnh đó, việc chậm chạp trong thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ DN đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới đây, trong các đề xuất gửi Chính phủ thông qua khảo sát của VCCI, các DN đã nhắc tới yêu cầu thực hiện nghiêm túc và giám sát chặt chẽ các giải pháp đã được đưa ra trước đó.

Theo cảnh báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự suy yếu của DN trong giai đoạn này còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau nếu đà này không được chặn đứng.

 

TRẦN THỦY

Nguồn vef.vn