Quản lý chi tiêu – không app, không excel, không ghi chép

Đăng bởi: Hân Trần - Wednesday 22/03/2023 - 1730 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ II : QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN – Quản lý chi tiêu 3 chiếc lọ

BÀI 7: QUẢN LÝ CHI TIÊU – KHÔNG APP, KHÔNG EXCEL, KHÔNG GHI CHÉP

 Phương pháp Quản lý chi tiêu “3 chiếc lọ” hiện đang được công ty CP Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT tư vấn cho hàng ngàn khách hàng và đã chứng thực được tính hiệu quả. Các tỉ lệ tiết kiệm, chi tiêu dựa trên tình hình tài chính của Khách hàng một cách sát sườn nhất, do vậy không có 1 công thức áp dụng chung. Các bạn cũng có thể theo đây mà áp dụng cho bản thân và gia đình mình.

quản lý chi tiêu

TIẾT KIỆM cần được trích ra trước khi chi tiêu. Đây là khoản tiền mà bạn dành cho tương lai của mình. Nếu tiền tiết kiệm được đầu tư và tăng trưởng tốt, đây sẽ là tiền đề của sự ổn định, giàu có hay thịnh vượng của bạn trong tương lai.

Đối với một người đi làm, hỗ trợ tài chính cho một người phụ thuộc ( có thể là con cái, cha mẹ hay người thân mà mình chăm lo ), TIẾT KIỆM trích ra theo 1 tỉ lệ tương ứng với các mức thu nhập sau :

  • Thu nhập dưới 20 triệu, trích ra 10-20% cho tiết kiệm
  • Thu nhập 20-50 triệu, trích ra 20-40% cho tiết kiệm
  • Thu nhập 50-70 triệu, trích 30-50% cho tiết kiệm

Khi không có người phụ thuộc, tỉ lệ tiết kiệm cần tăng cao hơn nữa. Với mức thu nhập trên 50 triệu, bạn cần tăng mức tiết kiệm cao nhất có thể, có thể tham khảo với các mức chi phí ở các mức lương thấp hơn. Ngược lại, khi bạn có nhiều người phụ thuộc, tỉ lệ tiết kiệm có thể giảm xuống.

Khoản tiết kiệm được dùng cho việc xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, cho việc đầu tư, hoặc là dùng trả nợ vay để đầu tư.

CHI PHÍ HƯỞNG THỤ nên ở mức 10% thu nhập, tối đa là ở mức 15% thu nhập. Gồm các khoản chi ăn ngoài mắc tiền, mua sắm vượt nhu cầu căn bản, du lịch, giải trí … Chi phí giao tế phục vụ cho công việc tạo thu nhập thì được xem là Chi phí Thiết yếu.

Nhu cầu “hưởng thụ” là cần thiết, ít nhiều cũng tạo thêm động lực, là cách thức tái tạo năng lượng cho bản thân. Khi đã dành riêng một khoản cho CP hưởng thụ thì không lo lắng khi chi tiêu, không cảm thấy có lỗi với bản thân vì đã lạm chi vào các khoản chi cần thiết của gia đình.

CHI PHÍ THIẾT YẾU được chi tiêu sau khi đã trích ra Tiết kiệm và Chi phí Hưởng thụ. Gồm tiền thuê nhà, các chi phí tiện ích như điện, nước, điện thoại…, phí Bảo hiểm, học phí, tiền hỗ trợ người phụ thuộc, thuê giúp việc, chi phí ăn uống, mua sắm cơ bản, xăng xe …

  • Các khoản chi cố định được xác định riêng
  • Dự tính tiền chợ và chi trong phạm vi đã ấn định
  • Còn lại là các khoản chi lặt vặt

CÁCH THỰC HIỆN

  • Lập 2 tài khoản riêng cho CP Hưởng thụ và CP Thiết yếu
  • Hàng tháng chuyển tiền theo định mức vào 2 tài khoản này
  • CP HƯỞNG THỤ : cứ đều đặn chuyển tiền vào, cho dù sử dụng không hết vẫn tích lũy ở đó. Bất cứ khi nào chi tiêu cho hưởng thụ, có thể nhìn vào số dư tài khoản mà xác định được mức tiền có thể chi tiêu. Muốn chi tiêu cho cả A và B, thì tiêu cho A nhiều thì B phải ít đi, và ngược lại. CHI TIÊU TRONG HẠN MỨC CHO PHÉP. Đó là cách Khoanh vùng chi phí.
  • VD : hàng tháng CP Hưởng thụ là 5 triệu. Đến tháng thứ 9 trong năm, tổng số tiền đã chuyển vào 45 triệu. Xem Số dư còn lại trong tài khoản là 25 triệu thì xác định được đã chi tiêu cho Hưởng thụ 20 triệu trong 9 tháng vừa qua. Có thể chọn lựa giữa Du lịch, mua sắm, giải trí … trên số tiền còn lại, chi khoản này nhiều thì khoản kia ít.
  • CP THIẾT YẾU : phần cần chú ý nhất là Tiền chợ. Chia tiền chợ ra theo tuần. Tuần trước chi nhiều, tuần sau đó cân đối lại, chi ít hơn ( mua loại thực phẩm rẻ tiền hơn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng, thay vì ăn thịt bò thì ăn thịt gà, đậu hũ … )

LỢI ÍCH TỪ QUẢN LÝ CHI TIÊU “3 CHIẾC LỌ”

  • 3 KHÔNG : không app, không excel, không ghi chép
  • Tiết kiệm thời gian nên có thể áp dụng lâu dài
  • Vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể xác định được tổng chi phí phát sinh và đã chi tiêu
  • Ngay tại thời điểm chi tiêu, nhìn số dư có thể lựa chọn và quyết định chi tiêu vào mục gì, bao nhiêu, dựa trên số tiền còn lại trong tài khoản. Đây mới là QUẢN LÝ.
  • Ghi chép số liệu thì chúng trở thành dữ liệu quá khứ, không có ý nghĩa trong quản lý chi tiêu. Lưu ý việc khoanh vùng hạn mức chi tiêu là bí quyết để áp dụng phương pháp này
  • Số tiền thừa ở CP Thiết yếu vào mỗi cuối tháng có thể tùy nghi chuyển sang CP Hưởng thụ hoặc Tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu số tiền thừa là đáng kể thì nên điều chỉnh tăng mức Tiết kiệm
  • Lạm phát lối sống là một trong những khó khăn mà chúng ta đối mặt. Một khi mà thu nhập tăng, theo thời gian, chúng ta có xu hướng muốn tưởng thưởng cho bản thân, muốn tăng chi tiêu tương ứng. Cố gắng duy trì mức sống cũ càng lâu càng tốt nhe

Nguồn: Hana Tran

Biên tập: Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )