Tài chính được xem là nguồn lực quan trọng nhất đối với toàn bộ hoạt động vận hành của doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phá sản nếu không đảm bảo được nguồn tài chính ở mức ổn định. Vậy nên, quản lý tài chính một cách hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở hiện tại và cả tương lai. Cùng Webketoan tìm hiểu thêm về các nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Quản lý tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản lý tài chính doanh nghiệp (Financial Management) là việc lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính nhằm bảo vệ và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Quản trị tài chính doanh nghiệp đặt trọng tâm vào năng lực tổ chức, quản trị, điều hành hoạt động tài chính của các nhà quản trị thông qua những quyết định của họ. Nếu nguồn tài chính không được quản lý tốt sẽ có thể gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của doanh nghiệp.
Quản lý tài chính giúp doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở hiện tại và cả tương lai.
Vai trò quản lý tài chính doanh nghiệp
Quản lý tài chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định khả năng tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường và tiềm năng phát triển trong tương lai. Cụ thể:
- Vai trò huy động, khai thác nguồn tài chính: Kiểm soát dòng tài chính của mọi hoạt động hay sản xuất kinh doanh của tổ chức một cách tối ưu để đảm bảo đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
- Vai trò đòn bẩy: Giúp kích thích và tiến hành điều tiết các hoạt động kinh doanh.
- Vai trò kiểm soát: Kiểm tra tình trạng hiện tại và các hoạt động đang diễn ra của doanh nghiệp nhằm phát hiện kịp thời các rủi ro tài chính có thể xảy đến trong tương lai.
- Vai trò quyết định các khoản đầu tư và tài trợ: Hoạch định không chưa đủ, nhà quản trị tài chính phải quyết định phương pháp thực hiện hiệu quả, đồng thời xác định các khoản đầu tư như thế nào cho hợp lý. Từ đó đảm bảo sinh được lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Quản lý tài chính hiệu quả là một trong những yếu tố quyết định khả năng tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường.
Những nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả
Hệ thống lại nguồn tài chính
Các nguồn tài chính của doanh nghiệp có thể kể đến bao gồm: Thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, tài khoản môi giới, tài khoản hưu trí, tài sản thế chấp, các khoản vay,…. Việc hệ thống lại nguồn tài chính được xem là bước đầu tiên để giúp tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp khi hỗ trợ kiểm soát các yếu tố trên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm của bên thứ ba nhằm cung cấp các giải pháp thanh toán đúng hạn.
Chi tiêu luôn ít hơn số tiền kiếm được
Thu nhiều hơn chi là phương pháp giúp doanh nghiệp có thể hạn chế phát sinh các khoản nợ ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kiểm soát được hướng đi của dòng tiền, tránh lãng phí ngân sách một cách không cần thiết.
Dùng khoản tiền hiện có để đầu tư sinh lời
Giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo thời gian, lãi suất và các yếu tố khác. Vì vậy, việc đầu tư liên tục các khoản tiền nhàn rỗi nhằm tạo ra thêm những đồng tiền mới là hoạt động bắt buộc trong quản lý tài chính. Các khoản đầu tư sinh lời này sẽ giúp tạo thêm nguồn thu bên ngoài và củng cố sức mạnh tài chính cho doanh nghiệp. Dùng khoản tiền hiện có để đầu tư sinh lời giúp củng cố sức mạnh tài chính cho doanh nghiệp
Cân bằng tỷ lệ rủi ro và tỷ suất lợi nhuận
Các kế hoạch đầu tư luôn ẩn chứa những rủi ro thua lỗ nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện cân bằng tỷ lệ rủi ro và tỷ suất lợi nhuận nhằm giảm thâm hụt ngân sách một cách tối đa. Một trong những phương pháp phổ biến mà doanh nghiệp có thể tham khảo là đa dạng hóa hạng mục sản phẩm và lĩnh vực đầu tư. Điều này giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tiền nếu chẳng may thua lỗ trong một hoạt động đầu tư nào đó.
Lưu ý đến thuế
Đây là yếu tố không thể bỏ qua khi bất kỳ khoản thu lợi nhuận nào của doanh nghiệp đều phải tính thuế. Điều này có thể là đòn bẩy giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Nhưng theo chiều ngược lại, việc này cũng có thể đem lại những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp khi phải đóng một mức thuế khá cao theo chính sách của một vài quốc gia/khu vực.
Dự báo dòng tiền
Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Các quyết định tài chính cũng bị ảnh hưởng bởi mô hình của các dòng tiền. Bên cạnh đó, dòng tiền có độ đáng tin cậy cao sẽ được ưu tiên hơn. Vì vậy, để đảm bảo các hoạt động sản xuất/kinh doanh có thể diễn ra một cách trơn tru và ổn định, doanh nghiệp cần phải quản lý tiền mặt và dự báo dòng tiền dựa theo nhu cầu thực tế. Có thể nói rằng, việc nắm giữ lượng vốn lưu động phù hợp là minh chứng cho việc thực hiện quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả.
Hạn chế nợ đối với các tài sản tạo thu nhập
Những gì bạn bỏ tiền ra để có thể sở hữu và duy trì chúng thì được gọi là tiêu sản, ví dụ như nợ thẻ tín dụng, thuế, tiền thuê nhà,… Theo thời gian, những khoản chi phí này sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, doanh nghiệp cần hạn chế phát sinh các khoản nợ đối với những tiêu sản này. Trong trường hợp bắt buộc, hãy đảm bảo hành động một cách khôn ngoan và để dành ngân sách cho những tài sản có giá trị đảm bảo dài lâu.
Thiết lập kế hoặc dự phòng tài chính
Những trường hợp bất ngờ như hỏa hoạn, thiên tai, suy thoái thị trường,… có thể diễn ra bất cứ lúc nào và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, dự phòng tài chính chưa bao giờ là điều thừa thãi.
Doanh nghiệp cần thiết lập quỹ dự phòng và sử dụng các dịch vụ bảo hiểm để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng từ các rủi ro tài chính bất ngờ, đảm bảo sự an ninh tài chính cũng như sự phát triển dài hạn chủ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần phải đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm soát nguồn vốn, tuân theo những nguyên tắc “vàng” đã được Webketoan đề cập để có thể chủ động quản lý tài chính doanh nghiệp. Từ đó, dòng tiền sẽ được phân bổ một cách hợp lý và có kiểm soát, giúp doanh nghiệp có thể vận hành bình thường và phát triển bền vững.
Nguồn tham khảo:
Giáo trình Quản trị tài chính 1 – Đại Học Thương Mại
www.managementstudyguide.com