Quản trị rủi ro là gì? Vai trò và quy trình quản trị rủi ro trong doanh nghiệp

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 24/05/2023 - 982 lượt xem.

Kinh tế ngày càng phát triển, thị trường kinh doanh theo đó cũng ngày càng có tính cạnh tranh hơn, dẫn đến những rủi ro không mong muốn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần chủ động quản trị rủi ro và kiểm soát các chiến lược một cách hiệu quả. Vậy làm thế nào để quản trị rủi ro, cùng Webketoan tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây bạn nhé!

Quản trị rủi ro là gì?

Quản lý rủi ro (Risk management) là thuật ngữ chỉ quá trình nhận diện, phân tích, đo lường và đánh giá các rủi ro nhằm tìm biện pháp kiểm soát, khắc phục hậu quả của rủi ro đối với hoạt động kinh doanh nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực rủi ro xảy ra. Do đó, quản trị rủi ro là một trong những kỹ năng quan trọng giúp doanh nghiệp tránh được những khả năng xảy ra rủi ro hiệu quả.

quản trị rủi ro

Vai trò của việc quản trị rủi ro trong doanh nghiệp

Quản lý rủi ro hiệu quả có thể tạo ảnh hưởng đến nguồn vốn và doanh thu của doanh nghiệp. Đánh giá và quản lý rủi ro là vũ khí tốt nhất chống lại thảm họa cho các dự án và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Dưới đây là một số vai trò cơ bản của quản lý rủi ro doanh nghiệp:

  • Xác định các rủi ro có thể xảy ra: Việc này bao gồm xác định và đo lường rủi ro tổn thất và thiệt hại thông qua kiểm tra, xem xét hợp đồng và xem xét các rủi ro để tìm kiếm sơ hở trong quá khứ.
  • Giảm thiểu rủi ro: Bao gồm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của rủi ro.
  • Cung cấp cơ sở vững chắc cho việc ra quyết định để đối phó với rủi ro.
  • Lập kế hoạch quản lý rủi ro liên quan đến việc đánh giá tác động của các rủi ro khác nhau và phác thảo các phản ứng có thể có đối với các mối nguy hiểm nếu chúng xảy ra.
  • Đảm bảo các rủi ro có tính rủi ro cao được ưu tiên xử lý trước nhằm đảm bảo chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất trong xử lý rủi ro.

Quy trình 6 bước quản trị rủi ro trong doanh nghiệp

Bước 1: Xác định phạm vi rủi ro

Xác định phạm vi rủi ro là bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch. Đây là bước rất quan trọng giúp doanh nghiệp phân chia phạm vi ảnh hưởng, dễ dàng tập hợp nguồn lực và giải quyết vấn đề kịp thời sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Có 4 nhóm rủi ro thường gặp:

  • Rủi ro chiến lược là loại rủi ro xuất phát từ các vấn đề liên quan đến quản trị và môi trường kinh doanh. Nó bao gồm các rủi ro do các bên liên quan như khách hàng, đối thủ, nhà đầu tư gây ra;
  • Rủi ro hoạt động có thể xuất hiện khi sử dụng nguồn lực không hiệu quả trong các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Các rủi ro này có thể xuất hiện do các quy trình, hệ thống, con người và văn hóa không phù hợp hoặc do tác động của các sự kiện bên ngoài;
  • Rủi ro tài chính bắt nguồn từ các hoạt động tài chính như mua bán, đầu tư, cho vay, và các hoạt động kinh doanh khác;
  • Rủi ro tuân thủ liên quan đến việc không tuân thủ các quy định, nội quy của doanh nghiệp, các luật và văn bản pháp lý khác của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hoặc cam kết.

Để xác định phạm vi rủi ro chính xác, các doanh nghiệp cần sử dụng những phương pháp khoa học nhất để các bước tiếp theo trong quy trình quản lý rủi ro có thể được triển khai hiệu quả.

Bước 2: Phân tích và nhận dạng chính xác các rủi ro

Rủi ro bao gồm tất cả những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, khi doanh nghiệp tiến hành xác định các rủi ro có thể xảy ra, doanh nghiệp nên xem xét và phân tích kỹ lưỡng các yếu tố chính gây cản trở việc thực hiện mục tiêu đã đặt ra ban đầu. 

Những rủi ro có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân bên ngoài như luật pháp, khí hậu, các vấn đề chính trị hoặc ảnh hưởng xã hội. Ngoài ra, những nguyên nhân chủ quan có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp phải kể đến là công tác tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự,…

Để thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro một cách hiệu quả, nhiệm vụ của người lập kế hoạch là cần xác định được tất cả các loại rủi ro có thể xảy ra một cách chính xác nhất có thể.

Bước 3: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro

Để đo lường chính xác tác động của rủi ro, doanh nghiệp cần bám sát hai tiêu chí sau:

– Xác suất xảy ra rủi ro

– Hậu quả khi rủi ro tồn tại.

Các nhà quản lý có thể dựa vào dữ liệu thực tế hoặc các sự kiện trong quá khứ để có nguồn thông tin đánh giá rủi ro chính xác nhất.

Bước 4: Xử lý rủi ro

Đối với các phương án xử lý rủi ro, doanh nghiệp có thể áp dụng theo 4 phương pháp phổ biến thường dùng, bao gồm: né tránh, giảm thiểu, kiểm soát và chuyển giao rủi ro. Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng loại rủi ro mà nhà quản lý có thể cân nhắc lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp nhất. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý rủi ro, doanh nghiệp cũng có thể gặp những thuận lợi và hạn chế nhất định.

Bước 5: Lập và triển khai kế hoạch quản lý rủi ro

Với mỗi rủi ro được xác định cần có một kế hoạch xử lý phù hợp. Hệ thống hóa lại tất cả các bước trên, bạn sẽ có được một nền tảng vững chắc nhằm xây dựng và triển khai một kế hoạch quản lý rủi ro hoàn chỉnh. Để kế hoạch hiệu quả, bản kế hoạch quản lý rủi ro của bạn cũng cần phải có các giải pháp kiểm soát đầy đủ cũng như những người sẽ chịu trách nhiệm về các giải pháp và các hoạt động khi thực hiện.

Bước 6: Kiểm soát và đánh giá kế hoạch quản lý rủi ro

Trong và sau quá trình triển khai phương án quản trị rủi ro, nhà quản lý phụ trách kế hoạch cần thường xuyên theo dõi tình hình, báo cáo tiến độ và kết quả đạt được để nắm bắt kịp thời tình hình khi phát sinh vấn đề cũng như điều chỉnh kịp thời khi cần thiết. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xây dựng được nhiều kế hoạch quản lý rủi ro hoàn thiện hơn trong những lần tiếp theo.

Mối quan hệ giữa quản trị rủi ro và quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Quản trị rủi ro và quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tưởng chừng như không liên quan nhưng lại có mối quan hệ qua lại mật thiết, cụ thể:

  • Quản trị chiến lược sẽ bao gồm các hoạt động quản lý nhằm xác định mục tiêu dài hạn và thực hiện sứ mệnh của tổ chức. Quản trị các hoạt động kinh doanh, bao gồm các hoạt động liên quan đến kinh doanh như quản lý sản xuất và cung ứng hàng hóa, quản lý dịch vụ,… nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược.
  • Quản trị rủi ro bao gồm tất cả các hoạt động nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu dài hạn và hoàn thành sứ mệnh trong đề xuất quản trị chiến lược.

Việc quản trị rủi ro là cần thiết và quan trọng đối với bất kỳ tổ chức, công ty hay doanh nghiệp nào bởi nó có khả năng định hướng và giải quyết các rủi ro tiềm tàng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, việc quản trị rủi ro phải được xem như một quá trình liên tục và tích cực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn tham khảo: Giáo trình Quản trị rủi ro NEU, corporatefinanceinstitute.com

Cùng tìm hiểu thêm các bài viết khác về Kế toán quản trị tại webketoan.vn