Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Nghị định này quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế.

Giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.

    Nghị định 20 là dấu mốc quan trọng về xác định giá trong giao dịch liên kết

Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
– Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
– Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Theo đánh giá của PwC Việt Nam: Nghị định 20 đã mở rộng phạm vi diễn giải đối với một số quy định hiện hành, đồng thời đưa ra một số khái niệm, nguyên tắc mới theo Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và các nguồn khác.

Cũng theo PwC, Nghị định 20 đã đưa ra một số thay đổi lớn so với quy định hiện hành liên quan tới việc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết (GDLK) tại Việt Nam, bao gồm chuẩn bị Hồ sơ kê khai xác định giá GDLK theo ba cấp, các mẫu tờ khai GDLK mới, hướng dẫn về khấu trừ chi phí phát sinh từ GDLK và chi phí lãi vay.

Bà Nguyễn Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, PwC Việt Nam nhận định: “Nghị định 20 đánh dấu mốc phát triển quan trọng nhất trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế. Có thể thấy rằng Bộ Tài chính đang có nỗ lực lớn nhằm đưa ra những quy định rõ ràng hơn và gần gũi hơn với các tiêu chuẩn quốc tế”.

Nghị định này có hiệu lực từ 01/05/2017

Mục lục Nghị định

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
Điều 6. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết
Điều 7. Các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết
Điều 8. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù
Điều 9. Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết
Điều 11. Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết
Điều 13. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Điều 15. Trách nhiệm thi hành

Tải Nghị định: TẠI ĐÂY

Nguồn tham khảo thêm: Thời báo tài chính

 

Exit mobile version