Quy trình xác minh và xử lý doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 20/04/2017 - 15578 lượt xem.

Ngày 05/04/2017, Tổng cục thuế ban hành Quyết định 438/QĐ-TCT

Quyết định ban hành quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục mã số thuế đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.

1. Các trường hợp sẽ được cơ quan thuế xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký

                                Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Quá thời hạn người nộp thuế không nộp hồ sơ khai thuế

Người nộp thuế không nhận văn bản của cơ quan thuế gửi qua bưu điện

Cơ quan thuế nhận được thông tin bằng văn bản do các tổ chức, cá nhân cung cấp về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Người nộp thuế là đơn vị chủ quản (thuộc một trong các trường hợp đang tiến hành xác minh thực tế tình trạng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo quy định ở trên) có đơn vị trực thuộc thì Cơ quan thuế quản lý đơn vị chủ quản (Bộ phận kiểm tra) sẽ thông báo cho đơn vị trực thuộc về việc đơn vị chủ quản được nhận diện không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo mẫu số 26/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC chậm nhất trong 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày phát sinh các trường hợp phải thực hiện xác minh thực tế hoạt động của người nộp thuế là đơn vị chủ quản tại địa chỉ đã đăng ký để cảnh báo cho đơn vị trực thuộc được biết.

Trường hợp đơn vị chủ quản và đơn vị trực thuộc khác cơ quan thuế quản lý trực tiếp, thì Thông báo đồng thời phải gửi cho cơ quan thuế quản lý đơn vị trực thuộc.

Người nộp thuế đã làm thủ tục chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi đi nhưng quá thời hạn theo quy định không đến làm thủ tục tại cơ quan thuế nơi đến theo quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

Các văn bản của cơ quan thuế (Quyết định, Văn bản, Thông báo…) gửi cho người nộp thuế qua đường bưu điện nhưng không có thông tin phản hồi, không thực hiện các văn bản của cơ quan thuế

Các trường hợp khác: (nếu cần phải xác minh).

2. Xử lý đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

a) Bộ phận quản lý ấn chỉ:

Không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành của người nộp thuế đã bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Dừng ngay việc bán hoá đơn đối với người nộp thuế (thuộc đối tượng mua hoá đơn của cơ quan thuế) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà không khai báo với cơ quan thuế.

Thông báo cho tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử trong trường hợp người nộp thuế thông qua hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử để tổ chức này dừng không lập hoá đơn và truyền cho người mua.

Trường hợp người nộp thuế có uỷ nhiệm cho bên thứ ba lập hoá đơn cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ thì phải thông báo ngay cho bên được uỷ nhiệm dừng lập hoá đơn.

Khi nhận được văn bản của Bộ phận kiểm tra hoặc của các cơ quan chức năng chuyển đến kết luận người nộp thuế có sử dụng một số hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn thì Bộ phận quản lý ấn chỉ thực hiện đưa lên Website Tra cứu hóa đơn đăng thông tin về các số hoá đơn bất hợp pháp này.

b) Bộ phận quản lý nợ:

Cưỡng chế nợ thuế

c) Bộ phận kiểm tra:

Có văn bản gửi ngân hàng nơi người nộp thuế (không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký) mở tài khoản đề nghị ngân hàng sao kê giao dịch theo các thông tin sau:

Tên Công ty chuyển tiền, Ngân hàng mở TK, số TK, số đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thanh toán TK mở cùng hệ thống ngân hàng), chi tiết ngày giao dịch, số tiền giao dịch.

Căn cứ kết quả sao kê giao dịch tại ngân hàng tiến hành phân loại người nộp thuế (bên mua) có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động:

    + Trường hợp xác định bên mua có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động thuộc cơ quan thuế trực tiếp quản lý, Bộ phận kiểm tra căn cứ vào nội dung chuyển tiền thanh toán của bên mua cho người nộp thuế không còn hoạt động, có văn bản gửi bên mua đề nghị giải trình từng lần thanh toán của các số hoá đơn, sau đó đối chiếu lại với báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn của người nộp thuế không còn hoạt động xem các số hoá đơn này đã kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra chưa nhằm phát hiện việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để tiếp tục thực hiện xử lý các bước tiếp theo liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp theo quy định.

   + Trường hợp xác định bên mua có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động thuộc cơ quan thuế khác tỉnh, thành phố. Bộ phận kiểm tra chuyển thông tin giao dịch theo các nội dung nêu trên cho Cục Thuế quản lý bên mua để Cục Thuế đề nghị bên mua giải trình và đối chiếu tiếp theo trình tự nêu trên.

Trường hợp qua kiểm tra cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng có văn bản gửi cơ quan thuế kết luận người nộp thuế có sử dụng một số hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn thì Bộ phận kiểm tra, thanh tra thực hiện:

      + Chuyển toàn bộ nội dung nêu trên cho Bộ phận quản lý ấn chỉ để đưa lên Website Tra cứu hóa đơn.

      + Thống kê, phân loại người nộp thuế đã mua hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hoá đơn theo từng địa phương, có văn bản thông báo đến cơ quan thuế có liên quan để cơ quan thuế quản lý người nộp thuế mua hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hoá đơn biết và xử lý theo quy định.

       +  Lập văn bản (kèm theo bảng thống kê nêu trên) báo cáo, kiến nghị cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp để các cơ quan này có biện pháp xử lý đối với người nộp thuế bán hoá đơn và người nộp thuế mua hoá đơn bất hợp pháp.

      +  Áp dụng ngay các biện pháp xử lý người nộp thuế mua, bán hoá đơn bất hợp pháp theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.
……………
Xem đầy đủ, tải Quyết định: TẠI ĐÂY