Sắp có công ty quản lý quỹ 100% vốn ngoại

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 20/12/2012 - 5200 lượt xem.

Việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 212/2012/TT-BTC về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ (QLQ) thay thế Quyết định 35/2007/QĐ-BTC đã định ra con đường rộng mở cho sự xuất hiện của công ty QLQ 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam.

Nền tảng pháp lý cho sự hình thành công ty QLQ 100% vốn nước ngoài và chi nhánh công ty QLQ nước ngoài tại Việt Nam được hình thành từ khi Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 15/9/2012. Tuy nhiên, việc quy định chi tiết các điều kiện thành lập, hoạt động của công ty QLQ 100% vốn ngoại và chi nhánh công ty QLQ nước ngoài tại Việt Nam thì phải chờ đến khi Thông tư 212/2012/TT-BTC được ban hành. Quy định mới còn hướng dẫn chi tiết các điều kiện về công ty QLQ hoạt động tại Việt Nam được phép cung cấp các dịch vụ ở nước ngoài.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, thực hiện cam kết WTO, Thông tư 212/2012/TT-BTC hướng dẫn chi tiết các mô hình NĐT nước ngoài tham gia lĩnh vực cung cấp dịch vụ quản lý quỹ trên TTCK Việt Nam. Theo đó, NĐT nước ngoài được mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu tới 49% vốn điều lệ của công ty QLQ đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, họ còn được phép mua để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty QLQ đang hoạt động, hoặc được thành lập mới công ty QLQ 100% vốn nước ngoài nếu thỏa mãn các điều kiện đã được quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ mở ra hai mô hình sở hữu 49% hay 100% cho NĐT nước ngoài lựa chọn, mà không chấp thuận các tỷ lệ sở hữu khác? Theo ông Long, vấn đề này đã được thảo luận và cân nhắc rất kỹ trên cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, trong đó đề cập tới tính hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán và ngân hàng có các mức vốn góp khác nhau của bên nước ngoài; đặc thù mô hình hoạt động của ngành; cũng như bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, hệ thống tài chính, ngân hàng và TTCK nói riêng…

Cùng với một loạt giải pháp đồng bộ khác vừa được ban hành, trong đó nổi bật là đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho NĐT nước ngoài, việc chính thức có hướng dẫn chi tiết cho sự xuất hiện công ty QLQ 100% vốn ngoại tại Việt Nam, đang được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn cho TTCK, qua đó thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn trong tương lai gần.

Công ty QLQ được tư vấn đầu tư

Một quy định mới khác đáng chú ý là lần đầu tiên cho phép công ty QLQ triển khai nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Điều này cộng với quy định, ngoài được tiếp nhận, quản lý các tài sản là chứng khoán, công ty QLQ còn được quản lý các tài sản là tiền tệ, bất động sản… sẽ tạo bước tiến trong việc cải cách cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu đối với hoạt động của khối công ty QLQ. Qua đó, giúp các công ty QLQ linh hoạt hơn trong hoạt động quản lý danh mục, cũng như triển khai đầu tư.

Cùng với việc mở thêm “đất” cho các công ty QLQ hoạt động thuận lợi hơn, theo ông Long, Thông tư 212/2012/TT-BTC cũng đưa ra các quy định theo hướng đảm bảo cho công ty QLQ hoạt động minh bạch, an toàn hơn theo thông lệ quốc tế. Theo đó, buộc công ty QLQ có hoạt động quản lý tài sản của khách hàng ủy thác phải lập bộ phận kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT. Như vậy, cùng với bộ phận kiểm soát nội bộ có chức năng bảo đảm các vị trí, bộ phận của công ty QLQ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, việc hình thành bộ phận kiểm toán nội bộ sẽ giúp cổ đông, HĐQT có thêm một kênh để quản lý, giám sát hoạt động của ban điều hành và của công ty.

Tại bất kỳ thời điểm nào, bộ phận kiểm toán nội bộ cũng có thể thực hiện kiểm toán để kiểm tra, đánh giá cơ cấu tổ chức, hoạt động quản trị, điều hành, mức độ hiệu quả, đầy đủ, hiệu lực của bộ máy nhân sự của công ty, cũng như các quy trình nghiệp vụ, quy trình nội bộ mà công ty đang áp dụng; bảo đảm kịp thời đề xuất với HĐQT, cổ đông thay đổi mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, hoàn thiện hệ thống quy trình nghiệp vụ, quy trình nội bộ, phân bổ lại các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… để phòng ngừa, xử lý những vấn đề bất ổn trong hoạt động quản trị, điều hành. Qua đó, giúp các công ty QLQ hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh hơn. Thông qua các hoạt động này, cũng giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động của các công ty QLQ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Hữu Hòe

Theo Đầu Tư Chứng Khoán