Chưa thể giảm ngay xuống dưới 20% như mong muốn của nhiều doanh nghiệp nhưng theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội cho phép giảm thuế thu nhập xuống dưới 25%.
>‘Môi trường kinh doanh Việt Nam chưa hấp dẫn’
>‘Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua’
Thông điệp này được đại diện của Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp, diễn ra sáng 3/12 tại Hà Nội. Trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc cũng như đại diện nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước liên tục đề nghị Chính phủ nên áp dụng nhiều hơn nữa các giải pháp nhằm hạn chế thuế – phí cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu giảm ngay thuế thu nhập từ mức 25% hiện nay xuống 20% để khuyến khích đầu tư.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (thứ 2 từ trái) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sáng 3/12. Ảnh: Đ.T |
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết việc giảm thuế thu nhập để khuyến khích đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đã nằm trọng lộ trình cải cách thuế của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, ý thức được những khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua, đại diện Chính phủ cho biết đã thống nhất và dự kiến trình Quốc hội cho phép giảm thuế thu nhập ở mức độ phù hợp cho doanh nghiệp ngay trong năm 2013. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng sẽ có biện pháp rà soát, gỡ bỏ một số khoản thuế, phí khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặc dù đã được đề cập từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên đại diện Chính phủ đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc giảm thuế với doanh nghiệp. Theo số liệu của VCCI, thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện ở mức 25% là cao hơn so với khu vực, làm giảm sức cạnh tranh khi thu hút đầu tư. Thuế suất tại Thái Lan hiện là 23%, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều có mức thuế 17% cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một mối quan ngại khác của các nhà đầu tư cũng được thể hiện tại diễn đàn lần này là tốc độ tăng lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp của Việt Nam hiện quá nhanh. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định thu nhập của người Việt hiện vẫn ở mức rất thấp. Theo tính toán với tốc độ tăng lương hiện nay, phải đến năm 2016, thu nhập tối thiểu của người lao động giản đơn nhất mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
Riêng trong năm 2013, Chính phủ dự kiến sẽ tiến hành tăng lương tối thiểu khoảng 22 – 25%. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã nhận được đơn kiến nghị của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, theo đó chỉ đề xuất mức tăng 17 – 18%. “Qua xem xét, Thủ tướng và Chính phủ đã chấp nhận mức tăng này”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết.
“Theo tính toán, nếu điều chỉnh như vậy, sẽ chỉ có khoảng 6,6% doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh do mức hiện tại thấp hơn lương tối thiểu mới. Số tiền tăng lương cũng chiếm chưa đến 1% chi phí kinh doanh”, ông Ninh nói thêm.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tại diễn đàn lần này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đưa ra nhiều cam kết với nhà đầu tư trong và ngoài nước xung quanh những vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước, quản lý giá, nâng cao chất lượng lao động, thủ tục hành chính… Đại diện Chính phủ cũng khẳng định mục tiêu kiên định của Việt Nam về trung và dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng trước mắt sẽ tập trung vào ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý để tạo nền tảng.
“Chính phủ luôn quan tâm đến doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư là của mình”, Phó thủ tướng khẳng định.
Nhật Minh
Theo Vnepress