Sửa đổi 5 luật thuế: Giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu là xu hướng tất yếu

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 12/09/2017 - 3736 lượt xem.

“Khi ban hành Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) lần đầu tiên năm 1997, chúng ta đã có nhiều mức thuế suất thuế GTGT và mức cao nhất là 20% tuy nhiên chưa áp dụng, chỉ áp dụng ở mức phổ biến 10%. Sau 20 năm, nay chúng ta bàn đến chuyện điều chỉnh thuế suất này là phù hợp”.

    Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách thuế GTGT.

PV: Thưa bà, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế tài nguyên, đang được đưa ra lấy ý kiến và thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong các mục tiêu lớn của dự thảo luật là nhằm cơ cấu lại hệ thống thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Theo bà, những nội dung nào trong dự thảo luật hướng tới mục tiêu này?

– Bà Nguyễn Thị Cúc: Trước hết, tôi đánh giá cao công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật của Bộ Tài chính. Theo chương trình, tháng 5/2018 dự án luật mới trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, ngay từ tháng 8 năm nay, cơ quan soạn thảo đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia. Từ các ý kiến phản hồi, chúng ta sẽ lựa chọn, cân nhắc để đưa ra dự án luật khả thi, hiệu quả nhất.

Trong dự thảo luật lần này, một mục tiêu quan trọng là cơ cấu lại nguồn thu. Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình hội nhập và thực hiện nhiều cam kết quốc tế, theo đó, rất nhiều dòng thuế sẽ giảm về mức 0%. Bên cạnh đó, thuế TNDN của chúng ta, trước đây ở mức 32% sau đó đã giảm dần chỉ còn 20%. Tại dự thảo luật này, mức thuế lại giảm xuống 17% và 15% cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Thuế TNCN cũng có những điều tiết giảm, giãn bậc thuế, rút khung thuế suất.

Như vậy, nguồn từ thuế trực thu sẽ giảm đi. Trong bối cảnh thuế trực thu, thuế xuất nhập khẩu giảm, tỷ lệ bội chi cũng phải giảm theo kế hoạch, việc phải điều chỉnh cơ cấu thu, chuyển từ giảm thuế trực thu sang tăng dần thuế gián thu như thuế GTGT là tất yếu. Đây cũng là thực tế phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

PV: Thưa bà, dự án luật lần này đưa ra nhiều nội dung, sửa đổi liên quan đến chính sách thuế GTGT. Theo bà, những nội dung này có tác động như thế nào đối với DN?

– Bà Nguyễn Thị Cúc: Những đề xuất thay đổi về chính sách thuế GTGT có tác động ở hai vấn đề. Về thuế suất, thay đổi thuế suất sẽ tác động đến DN, tuy nhiên không nhiều. Theo dự thảo, một số nhóm mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ tăng lên 6%, một số nhóm tăng từ 10 lên 12%, Theo tôi, đây không phải là mức tăng lớn gây ảnh hưởng nhiều, nhất là khi đầu ra chịu thuế 12% thì đầu vào cũng được khấu trừ 12%. Hơn nữa, khi nhiều loại thuế nhập khẩu giảm thì giá thành sản xuất cũng thay đổi theo.

Về đối tượng chịu thuế, dự thảo luật bổ sung một số nhóm hàng vào đối tượng chịu thuế, đưa một số nhóm từ mức 5% lên 10%, như vậy sẽ đảm bảo được tính liên hoàn của thuế, tạo thuận lợi trong thực hiện và quản lý. Bởi, nếu không thuộc đối tượng nộp thuế đầu ra sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào. Hay một số mặt hàng khi chịu thuế 10% thì đầu ra được khấu trừ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất bỏ quy định những sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ tài nguyên, khoáng sản chiếm tỷ trọng trong sản phẩm từ 51% trở lên thì không được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu. Điều này là rất hợp lý và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế triển khai, tạo thuận lợi cho DN.

PV: Việc sửa đổi thuế suất thuế GTGT từ 10 lên 12% là vấn đề rất được quan tâm. Theo bà, cơ sở cũng như thời điểm của việc điều chỉnh này đã phù hợp chưa?

– Bà Nguyễn Thị Cúc: Như tôi đã nêu ở trên, xu hướng tất yếu hiện nay buộc chúng ta phải chuyển dịch cơ cấu thuế, giảm thuế trực thu như thuế TNDN, thuế TNCN, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Để cân đối ngân sách, đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội, nhu cầu đầu tư phát triển, thì chúng ta bắt buộc phải tăng thuế gián thu, trong đó có điều chỉnh lại thuế GTGT, xem xét lại diện chịu thuế GTGT. Việc điều chỉnh thuế lần này là một tất yếu khách quan trong quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại hệ thống tài chính.

Khi xây dựng và áp dụng Luật Thuế GTGT, chúng ta cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xem xét tình hình thực tế ở Việt Nam. Trong lúc chúng ta đang áp dụng thuế suất phổ biến là 10% thì nhiều nước quanh chúng ta áp dụng mức cao hơn hoặc đang trong xu hướng tăng dần thuế GTGT. Chẳng hạn, tại Trung Quốc vẫn duy trì hai mức thuế suất, mức thấp nhất là 13% và mức cơ bản là 17%. Nhật Bản, Singapore, Philippines… cũng tăng dần thuế suất vài năm gần đây.

Thực tế, khi ban hành Luật Thuế GTGT lần đầu tiên năm 1997, chúng ta đã có nhiều mức thuế suất thuế GTGT và mức cao nhất là 20% tuy nhiên chưa áp dụng, chỉ áp dụng ở mức phổ biến là 10%. Nay sau 20 năm, chúng ta bàn đến chuyện điều chỉnh thuế suất này, tôi cho rằng là phù hợp.

PV: Có một thực tế là rất dễ để nhận được sự đồng thuận khi đề xuất các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế. Ngược lại, các đề xuất làm tăng mức thuế thường nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý để việc ban hành chính sách có được sự đồng thuận, khả thi, hiệu quả?

– Bà Nguyễn Thị Cúc: Dĩ nhiên, người nộp thuế luôn muốn được giảm thuế, không ai muốn thuế tăng, bản thân tôi cũng vậy. Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế luôn khó hơn giảm thuế. Để có được sự đồng thuận, ban soạn thảo cần đưa ra nhiều số liệu, phân tích, chứng minh cụ thể cho mỗi nội dung đề xuất.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà một số ý kiến nêu ra khi bàn về sửa đổi chính sách thuế lại là công tác thu chi ngân sách. Tiền thuế là tiền thu từ người dân, để phục vụ cho người dân và mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng. Khi người dân nộp thuế vào ngân sách, họ luôn mong muốn số tiền nộp sẽ được sử dụng đúng mục đích như đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng, an ninh quốc phòng… Tuy nhiên, ở đâu đó hiện nay, phần quản lý chi của chúng ta còn chưa chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng lãng phí trong chi tiêu, nhất là ở các công trình xây dựng cơ bản, đầu tư công, trong hệ thống vẫn còn hiện tượng tham nhũng. Và từ những hiện tượng tham nhũng, nhũng nhiễu hay lãng phí đó, người dân liên hệ đến đồng thuế họ nộp, liệu có được sử dụng đúng mục đích hay thất thoát, lãng phí…

Vì vậy, đi đôi với việc thay đổi chính sách thuế, chúng ta cần tuyên truyền, chú trọng hơn nữa các biện pháp siết chặt quản lý chi tiêu công cũng như các biện pháp quản lý nói chung trong nền kinh tế để giảm thiểu gian lận, lãng phí, tham nhũng. Khi đó, sự tin tưởng và tính đồng thuận trong xã hội sẽ cao hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: H.Y (thực hiện) – Thoibaotaichinh