Trong thị trường kinh doanh hiện nay, có rất nhiều cách để một công ty huy động vốn. Tài trợ bằng nợ là một phương thức tài chính phổ biến mà các công ty và tổ chức sử dụng để đáp ứng nhu cầu tài chính. Vậy “tài trợ bằng nợ” là phương pháp gì, ưu nhược điểm của phương pháp này ra sao? Hãy cùng Webketoan tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài viết sau đây.
Tài trợ bằng nợ là gì?
Tài trợ bằng nợ (Debt Financing) là phương pháp huy động vốn bằng cách vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc các cá nhân khác để sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc đầu tư. Các khoản sử dụng này phải gắn với việc phát hành trái phiếu ngắn hạn và dài hạn.
Bạn cũng có thể hiểu rằng, khi một công ty cần vốn, họ có thể chọn cho mình ba phương thức để nhận tài trợ, bao gồm: vốn chủ sở hữu, nợ hoặc kết hợp cả hai. Vốn chủ sở hữu đại diện cho cổ phần sở hữu trong một công ty. Vốn chủ sở hữu trao cho các cổ đông quyền nhận một phần thu nhập trong tương lai của công ty, nhưng không phải trả lại. Nếu công ty phá sản, cổ đông là người cuối cùng nhận được tiền của họ.
Bên cạnh đó, công ty cũng có thể huy động vốn bằng cách “phát hành nợ”. Khi doanh nghiệp vay vốn từ cá nhân hoặc tổ chức khác, họ sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp. Sau đó, họ sẽ được cam kết rằng khoản nợ và lãi suất tương ứng sẽ được trả lại vào một thời điểm xác định trước đó.
Ưu nhược điểm của tài trợ bằng nợ
Hiểu rõ về ưu nhược điểm của tài trợ bằng nợ có thể giúp doanh nghiệp có được cái nhìn rộng hơn về việc huy động vốn, cụ thể:
Ưu điểm
- Giữ quyền kiểm soát: Người cho vay (người tài trợ bằng nợ) sẽ không can thiệp vào các hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có quyền đưa ra mọi quyết định. Mối quan hệ kinh doanh kết thúc khi doanh nghiệp hoàn trả đầy đủ các khoản vay.
- Lợi thế về thuế: Số tiền lãi bạn phải trả được khấu trừ thuế, do đó có thể giảm nghĩa vụ thuế của bạn.
- Đáp ứng nhu cầu tài chính: Tài trợ bằng nợ cho phép các doanh nghiệp và tổ chức có thể đáp ứng các nhu cầu tài chính ngắn hạn hoặc dài hạn của mình. Họ có thể sử dụng tiền vay để mua hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào dự án mới hoặc trang bị các tài sản quan trọng.
- Tăng khả năng đầu tư: Với tài trợ bằng nợ, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể tăng khả năng đầu tư và mở rộng doanh nghiệp mà không cần tạo ra được số tiền vốn từ nguồn lợi nhuận tự do. Điều này cho phép họ tận dụng các cơ hội tăng trưởng và mở rộng quy mô hoạt động.
- Đòi hỏi ít tài sản sở hữu: So với việc tài trợ bằng vốn sở hữu, tài trợ bằng nợ đòi hỏi ít sự đóng góp vốn sở hữu từ phía tổ chức hoặc doanh nghiệp. Điều này giúp giữ các tài sản sẵn có và mức độ kiểm soát treo cao đối với các gia đình hoặc các cổ đông hiện tại.
Nhược điểm
- Cần điều tra lịch sử tín dụng: Bạn phải có một lịch sử tín dụng đủ tốt để đảm bảo uy tín và tạo niềm tin với người cho vay.
- Tài sản thế chấp: Bằng cách đồng ý cung cấp tài sản thế chấp, bạn có thể đặt một số tài sản của mình hoặc doanh nghiệp vào tình huống rủi ro trong tương lai và dẫn đến nguy cơ bị tịch thu tài sản thế chấp nếu bạn không trả được nợ.
- Gánh nặng nợ: Một rủi ro của việc sử dụng tài trợ bằng nợ là căng thẳng tài chính có thể xảy ra khi tổ chức hoặc doanh nghiệp cần phải trả lãi suất và số tiền được vay. Điều này có thể gây áp lực tài chính trong trường hợp doanh nghiệp không thể đạt được thu nhập đủ để trả nợ hoặc khi lãi suất tăng.
- Rủi ro tài chính: Mang nợ hiển nhiên mang theo rủi ro tài chính. Nếu doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn hoặc thất bại trong hoạt động kinh doanh, tỷ lệ lãi suất cao hoặc số tiền nợ lớn có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Phân biệt giữa Debt Financing vs. Equity Financing
Sự khác biệt chính giữa tài trợ bằng nợ – Debt Financing và vốn chủ sở hữu – Equity Financing là tài trợ bằng vốn chủ sở hữu cung cấp thêm vốn lưu động mà không có nghĩa vụ trả nợ. Tài trợ nợ phải được hoàn trả, nhưng công ty không phải từ bỏ một phần quyền sở hữu để nhận tiền.
Hầu hết các công ty sử dụng kết hợp tài trợ bằng nợ và vốn chủ sở hữu. Các công ty chọn tài trợ bằng nợ hoặc vốn chủ sở hữu, hoặc cả hai, tùy thuộc vào loại tài trợ nào dễ tiếp cận nhất, trạng thái dòng tiền của họ và tầm quan trọng của việc duy trì quyền kiểm soát quyền sở hữu. Tỷ lệ D/E cho biết số tiền tài trợ thu được thông qua nợ so với vốn chủ sở hữu. Các chủ nợ có xu hướng ưa chuộng tỷ lệ D/E tương đối thấp, điều này có lợi cho công ty nếu công ty cần tiếp cận nguồn tài trợ nợ bổ sung trong tương lai.
Xem thêm: Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là gì?
Tài trợ bằng nợ có thể không phải là một phương án tài chính thích hợp với tất cả các doanh nghiệp, nhưng đây lại là một trong những cách huy động vốn mang tính hiệu quả và giúp doanh nghiệp tiếp tục các kế hoạch để quản lý các hoạt động phù hợp. Thông qua bài viết trên, Webketoan hy vọng có thể giúp bạn có được cái nhìn tổng quan nhất về phương pháp “tài trợ bằng nợ” và những thông tin liên quan.
Nguồn tham khảo: DNSE,