Tấn công ” thiên đường thuế”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 20/12/2012 - 4659 lượt xem.

Rắc rối về thuế của thương hiệu Starbucks liệu có là khởi đầu cho một cuộc tấn công vào các “thiên đường thuế” do các công ty đa quốc gia dựng lên?

Người dân Anh phản đối Starbuckssss

“Đây là một cam kết chưa từng có”, Kris Engskov, người điều hành của Starbucks ở Anh và Ireland, công bố rằng sẽ tình nguyện đóng thêm khoản thuế 16 triệu USD trong năm 2013-14, tức là cao hơn mức quy định của luật pháp Anh.

Dù không giải thích nhưng đại diện của Starbucks tại Anh hiểu rằng hãng buộc phải đưa ra quyết định như vậy khi phải đối mặt với sự nổi giận của người tiêu dùng Anh với cáo buộc “Starbucks trốn thuế”.

Ngày 8/12, nhóm các nhà hoạt động UK Uncut tổ chức các cuộc biểu tình tại hàng chục cửa hàng Starbucks ở Anh. Nhóm này chỉ ra rằng, kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên ở Anh vào năm 1998, đến nay Starbucks đã chỉ trả 8,6 triệu bảng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong lời khai trước một ủy ban của Quốc hội Anh, Starbucks đã giải thích Starbucks không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì không có lợi nhuận tại thị trường Anh, mặc dù Hãng thừa nhận chuyển một khoản tiền lớn từ hoạt động kinh doanh ở Anh cho hai công ty con ở Thụy Sĩ và ở Hà Lan theo hình thức trả tiền bản quyền, trả mức lãi suất rất cao để vay tiền từ các công ty chi nhánh khác.

Tính ra, Starbucks có hơn 700 cửa hàng ở Anh, đạt doanh thu hơn 3 tỷ bảng Anh (4,8 tỷ USD). Nhưng trong 14 năm qua, hãng này chỉ nộp vỏn vẹn 8,6 triệu bảng Anh (13,7 triệu USD) tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo hãng luật Pinsent Masons, không chỉ Starbucks mà nhiều công ty đang làm ăn ở Anh cũng đã tìm mọi cách để “lách luật” nhằm tránh phải đóng thuế doanh nghiệp một cách đầy đủ, với khoản tiền thuế tổng cộng lên tới 25 tỷ bảng (khoảng 40 tỷ USD), trong đó có tới 40% là của các công ty nước ngoài. Kỹ thuật tránh thuế hợp pháp của Starbucks cũng đã được công ty Mỹ Google sử dụng.

Hầu hết doanh thu của Google ở châu Âu được xử lý tại Google Ireland Holdings, vốn tuyển dụng gần 2.000 nhân viên làm việc tại thủ đô Dublin. Công ty con này bán quảng cáo ra khắp thế giới và đóng góp đến 88% trong tổng số thu nhập 12.5 tỷ USD mà Google kiếm được ngoài nước Mỹ trong năm 2009.

Sau đó, tiền bản quyền được chuyển cho một công ty con ở Hà Lan, trước khi bất cứ cái gì còn lại được công nhận là lợi nhuận sẽ chuyển tiếp qua một công ty con ở Bermuda – nơi không phải đóng thuế thu nhập.

Đây cũng là mánh khóe mà Amazon sử dụng khi giải thích rằng hóa đơn thuế doanh nghiệp thấp 1,8 triệu bảng trong năm 2011 của Công ty là do hoạt động ở Anh chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ văn phòng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính tại Luxembourg.

Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái của ActionAid cho biết, cách thức né thuế thường thấy của các tập đoàn này là chuyển lợi nhuận qua các chi nhánh quốc tế đặt ở những nước áp dụng mức thuế rất thấp.

Một chiến lược ngày càng được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng phổ biến là đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hoặc các dịch vụ nghiên cứu và phát triển ở các nước châu Âu khác có mức thuế thấp hơn ở Anh như Luxembourg và Ireland.

“Chuyển giá” (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn. Những mánh lới kiểu này gây tổn hại cho chính quyền Hoa Kỳ 60 tỷ USD mỗi năm.
Quá trình chuyển dịch tài sản thường diễn ra khi những công ty kiểu Google bán hoặc cấp giấy phép quyền sở hữu tài sản trí tuệ phạm vi ngoài Hoa Kỳ cho những công ty con nhưng là đặt tại những quốc gia có mức áp thuế thấp.

Có đến 98 công ty trong FTSE 100 có ít nhất một công ty con tại “thiên đường thuế”. Ở Úc, Google Australia chuyển lợi nhuận sang các công ty con ở Ireland và Hà Lan vì mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Úc là 30%, còn ở Ireland chỉ 12,5%.

Hãng Microsoft cũng bị tố cáo đạt doanh thu 1,7 tỷ bảng (2,7 tỷ USD) ở Anh, nhưng chuyển lợi nhuận sang một văn phòng nhỏ ở Luxembourg để né thuế.

Chính vì vậy mới có nghịch lý là tại các “quốc gia” mà nhiều người không biết đến như Barbados, quần đảo Cayman và Bermuda lại tập trung nhiều đăng ký sở hữu trí tuệ liên quan đến các tập đoàn lớn nhất thế giới.

Ủy ban Kiểm toán công Quốc hội Anh đã điểm tên các tập đoàn né thuế hàng đầu ở Anh là ba công ty Mỹ Amazon, Google và Starbucks. Trong đó, các công ty Mỹ như Amazon, Facebook và Google mới chỉ nộp tổng cộng gần 48 triệu USD tiền thuế trong vòng bốn năm qua mặc dù tổng doanh thu của ba công ty này lên tới gần 5 tỷ USD.

Các tập đoàn đa quốc gia không vi phạm pháp luật, nhưng tận dụng mọi kẽ hở của luật thuế để giảm thiểu mức thuế phải đóng theo cách mà các công ty địa phương không thể thực hiện. Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán công Quốc hội Anh Margaret Hodge khẳng định: “Chúng tôi không buộc tội các tập đoàn đa quốc gia vi phạm pháp luật. Chúng tôi tố cáo họ vô đạo đức”.

Năm 2009, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đề xuất một vài mức áp thuế nhất định cho những giao dịch đặc biệt giữa những chi nhánh hải ngoại của các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, những quan chức từng hy vọng dự luật sẽ mang lại 86,5 tỷ USD trong một thập kỷ tới, đã phải thất vọng khi những tập đoàn lớn, trong đó có Starbucks và Johnson & Johnson đã vận động hàng lang tại Quốc hội và Sở tài chính để dự luật này không bao giờ được thông qua.

Cách thức né thuế của các tập đoàn đa quốc gia mà các nước sở tại bất lực khiến nhiều chính phủ đang cân nhắc đến những chính sách thuế kinh doanh thân thiện hơn để củng cố cơ sở thuế. Mặt khác, nhiều chính phủ cũng quyết liệt trong cuộc chiến chống lại những tập đòan đa quốc gia “vô đạo đức”.

Theo BBC, mới đây Bộ Tài chính Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Cơ quan Thuế vụ Hoàng gia Anh (HMRC) 77 triệu bảng (123 triệu USD) để truy quét các công ty và cá nhân né thuế. Bộ Tài chính Anh cho biết chính phủ hy vọng sẽ thu thêm 2 tỷ bảng (3,2 tỷ USD) tiền thuế mỗi năm. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne sẽ đàm phán với các lãnh đạo G8 về những biện pháp chống hành vi né thuế.

 

LAM HỒNG